Kinh tế - Thị trường

Ngành sữa hấp dẫn quỹ đầu tư ngoại

Vẫn được xem là hấp dẫn, thị trường sữa Việt Nam liên tục có thêm nhiều tên tuổi mới trong và ngoài nước gia nhập cuộc chơi.

 Giữa tháng này, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và đối tác Nhật, Daiwa PI Partners công bố rót 45 triệu USD vào Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP - nhãn hiệu sữa Ba Vì). VinaCapital và Daiwa nắm giữ 70% cổ phần của IDP, còn gia đình ông Nguyễn Tuấn Khải và Tổng giám đốc IDP - Trần Bảo Minh sở hữu 30% cổ phần còn lại.

 

Giải thích cho việc lấn sân mạnh hơn sang ngành sữa, ông Andy Ho Giám đốc điều hành VinaCapital cho hay, ngành này có tiềm năng phát triển, hứa hẹn giá trị đầu tư tăng cao trong tương lai. Trong khi đó, IDP nằm trong top 5 ngành sữa Việt Nam và có doanh thu năm 2014 ước tính 80 triệu USD. Do vậy, việc chung sức xây dựng công ty thành một doanh nghiệp lớn của ngành thực phẩm trên sàn chứng khoán Việt Nam và cả Đông Nam Á là điều tổ chức này đang muốn hướng tới. Sắp tới, với số vốn điều lệ tăng lên 460 triệu USD, IDP sẽ tung ra thị trường các sản phẩm mới, hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn cho các tổ chức này.

 

Còn Trưởng bộ phận đầu tư nước ngoài của Daiwa PI Partners, ông Go Fujiyama cho biết đây là khoản đầu tư đầu tiên của doanh nghiệp vào ngành sữa tại thị trường Việt Nam.

 

Đại diện Daiwa tiết lộ, năm 1960, mức tiêu dùng sữa trên đầu người tại Nhật là 12kg, năm 1970 đã tăng lên 28,8kg và đến năm 2010 con số này đã vọt lên 46,6kg. Còn tiêu dùng sữa trên đầu người tại Việt Nam hiện là 14kg, xấp xỉ cột mốc năm 1960 của Nhật. "Có thể biểu đồ tăng trưởng tại Việt Nam sẽ không giống với chúng tôi nhưng trong tương lai nhu cầu sữa tại thị trường 90 triệu dân này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh", vị này dự báo.


Tập đoàn này sẽ chi 50 triệu USD vào Kerry trong gian đoạn 1 (thời hạn 5 năm) để hợp tác xây dựng chuỗi quản lý trang trại bò tiêu chuẩn Anka tại Ireland. Ngoài ra, 2 đơn vị này sẽ xây dựng quy trình và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến thành phẩm cuối cùng.
Sở hữu Công ty cổ phần Anova Milk, nhưng Tập đoàn Nova chưa đưa ra được sản phẩm tạo tiếng vang trên thị trường. Vì vậy, mới đây để tăng khả năng cạnh tranh, Nova Group đã chính thức công bố hợp tác toàn diện độc quyền với Tập đoàn Kerry (Ireland) trong phát triển và cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cao cấp.

 

Ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Tập đoàn Nova Group cho biết, hợp tác này sẽ phát huy tối đa thế mạnh của Kerry và Nova Group, đồng thời, giúp tập đoàn hiện thực hóa chiến lược phát triển cho ra phân khúc nhóm sản phẩm mới tại thị trường Việt (thịt, cá, trứng, sữa). Nova Group được hình thành từ năm 1992 có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, hóa chất với thương hiệu Annova và đầu tư bất động sản mang thương hiệu Novaland.

Nhìn thấy trước tương lai cạnh tranh khốc liệt của thị trường sữa, đơn vị sở hữu 50% thị phần sữa nước Việt Nam là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM) ngoài việc chi tiền cho ra sản phẩm mới thì đơn vị này cũng không quên mở rộng mạng lưới nhà máy trong và ngoài nước.

 

Phát biểu tại đại hội cổ đông hồi đầu năm, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Vinamilk cũng bày tỏ lo ngại về thị phần sữa trên thị trường trong nước đang bị sụt giảm khi ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ xô vào ngành sữa. Cũng chính vì sự cạnh trạnh khốc liệt trên khiến lợi nhuận của công ty này không còn được tăng trưởng mạnh như trước mặc dù doanh thu cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

 

Tuy nhiên, đây chính là động lực khiến năm nay Vinamilk liên tục đẩy mạnh đầu tư. Sau 2 "siêu nhà máy" mới sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, đầu năm 2014 Vinamilk tiếp tục động thổ nhà máy tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần. Ngoài ra, Công ty cũng đã nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ giúp đơn vị này tiếp cận và mở rộng ở thị trường châu Âu. Trước đó, Vinamilk cũng chi 1.600 tỷ đồng cho các trang trại bò sữa công nghệ cao ở Thụy Điển và Mỹ, nhằm nội địa hóa 40% nguyên liệu đầu vào năm 2016. Đại gia này đang đặt mục tiêu sẽ đạt doanh số 3 tỷ USD và lọt Top 50 hãng sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

 

Không có tiềm lực lớn như các đại gia trên, nhưng Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam (DFB Hanco Nutrition) cũng đã đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm tái cấu trúc bằng việc rót 700 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nẩy mầm GABA tại tỉnh Đồng Nai hồi tháng 9. Mục tiêu là sản xuất ra những dòng sản phẩm sữa và bột dinh dưỡng ứng dụng công nghệ sinh học có giá trị cao.

 

Chưa từng phân phối, lại không chuyên về sản xuất sữa như Vinamilk hay Hanco, ông lớn bất động sản Hoàng Anh Gia Lai đã chọn cách chen chân vào ngành này bằng việc ký thỏa thuận hợp tác phát triển đàn bò thịt, bò sữa và một nhà máy chế biến sữa với Nutifood và Vissan. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ đầu tư cho đàn bò, Nutifood chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi, Vissan bao tiêu đầu ra cho bò thịt. Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án hợp tác giữa 3 công ty này là 12.000 tỷ đồng, trong đó Nutifood và Vissan chiếm 50% vốn. 

 

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố khiến các đối tác ngoại cũng như trong nước mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam vì nơi đây là thị trường có dân số trẻ, sức tiêu thụ sản phẩm lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam năm 2013 xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng hơn 130% so với năm 2012. 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu cũng đã xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Dự báo năm 2017 thị trường sữa nước sẽ đạt đến quy mô 34.000 tỷ đồng, thị trường sữa bột là 48.000 tỷ đồng.

 

Ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cũng nhận định, thị trường sữa Việt Nam còn rất rộng. Các đơn vị sở hữu thị phần ở ngành này vẫn chưa đi vào một chuẩn mực nhất định, sản phẩm sữa trên thị trường của các doanh nghiệp đa số là mua sữa bột về để hoàn nguyên chứ không phải sữa tươi 100% nên đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng dễ dàng thành công ở phân khúc này. Bởi lẽ, ngành sữa có đặc thù riêng, nếu không hiểu về sản phẩm và quy trình sản xuất nghiêm ngặt cũng như thị hiếu người tiêu dùng thì các đơn vị kinh doanh sẽ không trụ được lâu, thậm chí "chết yểu" dù mức sinh lời "béo bở" như thế nào.

 

"Tôi không đánh giá cao các đơn vị mới tham gia vào thị trường này, đặc biệt là các tổ chức tài chính. Họ chỉ nhăm nhe đạt được tỷ suất sinh lời trong một thời gian nhất định và có thể rút lui bất cứ lúc nào, nên khi hợp tác đầu tư các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng", ông Khiêm nói.

 

Còn việc một số doanh nghiệp trong nước bắt tay hợp tác nuôi bò, sản xuất sữa sẽ đối mặt với nhiều chông gai, nhất là nguồn vốn, chất lượng con giống và điều kiện chăm sóc. Bởi lẽ, theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, năng suất sữa bò của Việt Nam rất thấp và phải đến 30 năm nữa Việt Nam mới đạt năng suất như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng không dễ để đạt được mục tiêu này, bởi lẽ, để có đàn bò sữa tốt, quá trình chọn, tạo giống cần thời gian trên 100 năm.

Thi Hà

Nguồn: kinhdoanh.vnexpress.net
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác