Sữa Việt Nam

Lâm Đồng: Dòng sữa trắng nơi xứ lúa Cát Tiên

Sau gần 10 tháng chăn nuôi, những nông hộ tiên phong phát triển bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã bắt đầu thu “trái ngọt”. Những dòng sữa bò đầu tiên đã chảy ra nơi xứ lúa Cát Tiên, qua đó mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho người dân nơi đây.

 THU TRUNG BÌNH 27 LÍT SỮA BÒ/CON

 

Phấn khởi và vui mừng, đó là tâm trạng chung của 4 nông hộ đầu tiên nhập bò sữa về chăn nuôi trên địa bàn huyện Cát Tiên. Đến nay, sau gần 10 tháng chăn nuôi, lứa bò sữa đầu tiên với số lượng 57 con trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đồng loạt cho khai thác sữa với sản lượng cũng như chất lượng đạt rất cao. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt cũng về tận địa phương để đặt trạm thu mua 100% sản lượng sữa bò cho người dân.

 

Chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Trần Huy Rin (Tổ dân phố 1, thị trấn Phước Cát) vào thời điểm sáng sớm, lúc này, anh và 2 công nhân đang tất bật với công việc vắt sữa bò để kịp thời vận chuyển đến trạm thu mua. Anh Rin hồ hởi chia sẻ, hơn 1 tháng nay, đều đặn mỗi tuần, đàn bò sữa của gia đình đều cho sản lượng sữa khai thác đạt trên 4.200 lít, thu nhập đạt gần 70 triệu đồng/tuần. Đây là con số rất ấn tượng, vượt hơn sự kỳ vọng ban đầu của gia đình.

 

Theo anh Trần Huy Rin, số bò sữa nhập về 30 con, đến nay, đàn bò sữa nhà anh đã tăng nhanh về số lượng, lên gấp hơn 1,5 lần. Mặc dù, hiện tại trang trại chưa đạt 100% số bò sữa cho khai thác, tuy nhiên với sản lượng 4.200 lít sữa/tuần, trung bình mỗi con bò sữa đã cho sản lượng khai thác đạt 20 lít/ngày. Thậm chí, có những con bò sữa cho sản lượng khai thác lên đến 35 lít/ngày. Dự báo, sản lượng sữa bò của trang trại sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt cũng đang áp dụng mức giá thu mua sữa bò trên địa bàn từ 14.000 – 16.000 đồng/lít. Đây là mức giá được cho là khá hấp dẫn với người chăn nuôi. Như vậy, với mức giá thu mua và sản lượng sữa bò khai thác như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Rin còn lợi nhuận trên 40% doanh thu.

 

Gia đình anh Nguyễn Xuân Hải tại xã Quảng Ngãi cũng có sản lượng sữa bò khai thác đạt mức hơn 2.300 lít/tuần, đạt doanh thu trên 32 triệu đồng/tuần. Anh Hải cho hay, hiện nay, việc chăn nuôi bò sữa của gia đình đã bước vào giai đoạn ổn định. Mặt khác, gia đình anh đã tối ưu hóa từ các khâu vận hành, chăm sóc và thức ăn, qua đó tiết kiệm tối đa về các khoản chi phí nhưng đàn bò vẫn tăng trưởng và phát triển rất tốt. Trung bình, mỗi con bò đang trong giai đoạn cho vắt sữa đạt trên 25 lít/ngày. Đây là con số cao hơn nhiều so với kỳ vọng từ 15 – 18 lít ban đầu gia đình đặt ra. Với sản lượng sữa bò khai thác như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, gia đình còn thu về hơn 15 triệu đồng/tuần. Hiện tại, bên cạnh tiếp tục việc chăm sóc, chú ý đến chất lượng sữa đàn bò đang khai thác, gia đình anh Hải cũng quan tâm đến đàn bê con để phát triển nhân lên tổng đàn.

 

Trong khi đó, các nông hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ từ 5 – 6 con như gia đình anh Huỳnh Thái Dương và Trần Văn Phong, trung bình mỗi tuần cũng khai thác đạt sản lượng hơn 900 lít sữa bò, thu về trên dưới 14 triệu đồng. Theo các nông hộ chia sẻ, việc chăn nuôi bò sữa này mang lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội, còn quy trình chăn nuôi chỉ thời gian đầu là còn bỡ ngỡ, khó khăn. Giờ đây, mỗi nông hộ như gia đình anh Dương, anh Phong đã có lợi nhuận tiền triệu/ngày.

 

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN ĐỀ ÁN CHĂN NUÔI BÒ SỮA

 

Ông Bùi Văn Văn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Cát Tiên đã có 174 con bò sữa giống; trong đó, đã có 57 con đã cho khai thác sữa với năng suất, chất lượng sữa khá tốt. Thời gian qua, UBND huyện và ngành Nông nghiệp đã tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc bò sữa sinh sản cho 4 hộ đầu tiên trên địa bàn huyện đã nhập bò sữa về nuôi trong năm 2022. Đến nay, 57 con đã sinh ra những con bê con khỏe mạnh và cho khai thác sữa với sản lượng đạt trung bình gần 27 lít sữa/ngày/con, với giá bán dao động từ 13.500 đồng – 16.000 đồng/1 lít, tùy theo chất lượng sữa của từng nông hộ.

 

Với những kết quả rất đáng lạc quan trên, các cấp, các ngành trong huyện Cát Tiên đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, tổ chức, cá nhân về các nội dung của đề án. Kết quả, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 29 hộ đăng ký tham gia nuôi với số lượng 277 con, đạt gần 70% kế hoạch năm 2023. Đồng thời, huyện Cát Tiên đã tổ chức nhập 2 đợt bò sữa về cho 12 hộ nuôi với số lượng là 94 con. Cùng với đó là hỗ trợ các nông hộ hạt giống để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối, hướng dẫn phương pháp ủ chua cây ngô sinh khối, ủ chua cỏ. Mặt khác, UBND huyện cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt để liên kết sản xuất cây ngô sinh khối tại địa phương.

 

Trong thời gian tới, UBND huyện Cát Tiên sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai đề án, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, rà soát các nông hộ có điều kiện mạnh dạn tham gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện để nhập đàn bò sữa đợt 3 năm 2023 về cho các hộ dân nuôi trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, huyện Cát Tiên sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt triển khai kế hoạch sản xuất ngô sinh khối, trước hết ở địa bàn làm mẫu là xã Quảng Ngãi và thị trấn Phước Cát…

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác