Định nghĩa và phân loại sữa

Sữa đặc có đường và giá trị dinh dưỡng

(Dairy Việt Nam) Hiện nay, sữa đặc có đường (SĐCĐ) là một trong các thực phẩm chế biến công nghiệp phổ biến. Bạn có biết cứ 10 lít sữa mà dân ta đang dùng thì 5 lít là sữa đặc có (860g) đường?

SĐCĐ sản xuất như thế nào?

Chúng ta hãy làm một chuyến tham quan về quy trình sản xuất nhãn hiệu sữa đặc có đường nổi tiếng tại Mỹ, Eagle Brand, của công ty Borden. Đó là quá trình của sữa bò nguyên chất kết hợp với đường mía thuần khiết. Sữa tươi, nguyên kem được đưa vào lò với nhiệt độ khoảng 114ºC bằng cách đi qua những vòi dẫn. Sau khoảng 5 phút, sữa được dẫn vào lò chứa đường để pha trộn. Hỗn hợp sữa - đường được đưa vào nồi chân không với nhiệt độ không quá 77,7ºC trong khoảng từ 1 đến 1 giờ rưỡi. Sau đó, nhiệt độ được giảm từ từ đến khi hoàn thành mẻ nấu. Kết quả hỗn hợp được cô đặc trở thành SĐCĐ. Cuối cùng, SĐCĐ từ nồi nấu được dẫn qua hệ thống làm lạnh và đóng lon.

Giá trị dinh dưỡng SĐCĐ thế nào?

Theo một số nhãn hiệu SĐCĐ đang có mặt tại Việt Nam, thành phần nguyên liệu bao gồm sữa bò cao cấp, bột sữa, chất béo, đường kính, vitamin A, D, B1... theo tiêu chuẩn “quốc tế” và phù hợp để phòng chống suy dinh dưỡng, giải độc, tăng tuổi thọ, phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng... Vậy thì, chúng ta hãy đọc nhãn sản phẩm và xem xét các giá trị dinh dưỡng ra sao nhé! Theo cách pha do nhà sản xuất chỉ dẫn, chúng ta hãy pha 1lít sữa SĐCĐ và sữa Nuti, sau đó xem các giá trị dinh dưỡng được liệt kê trong bảng sau:

 

Thành phần dinh dưỡng trong 1000ml (Pha theo hướng dẫn)

Thành phần SĐCĐ Sữa bột Nuti
Năng lượng (Kcal) 1270,4 852,0
Đạm (g) 27,0 32,8
Béo (g) 31,8 40,8
Đường bột(g) 219,1 88,4
Vitamin A (IU) - 3.060
Vitamin D (IU) - 442,0

Rất rõ ràng, chúng ta sẽ thấy SĐCĐ cung cấp năng lượng cao, nhưng nghèo đạm, vitamin, khoáng chất và có quá nhiều đường. Trong trường hợp này các chuyên gia dinh dưỡng gọi là năng lượng rỗng. Đó là chưa kể trên thực tế, người tiêu dùng thường pha loãng 1,5 – 2 lần so với cách trên để không quá ngọt và tất nhiên dưỡng chất lại sụt 1,5 – 2 lần.

SĐCĐ nên sử dụng thế nào?

Thực ra, SĐCĐ được sản xuất nhằm mục đích khác với hỗ trợ dinh dưỡng vì bản thân có thành phần không giàu dinh dưỡng cũng như không cân đối. Chúng chỉ là thành phần “gia vị” không thể thiếu trong nhiều loại bánh, kẹo và đặc biệt trong các loại thức uống của người lớn như cà phê, trà... hoặc có thể phối hợp với các loại thực phẩm giàu dưỡng chất khác. Việc sử dụng SĐCĐ phổ biến hiện nay cho nhiều mục đích, nhất là trong dinh dưỡng hỗ trợ bắt nguồn từ nhiều lý do: thông tin sai lệch, thu nhập thấp, kiến thức hạn chế, thói quen... Theo tôi, chúng ta cần có những quy định rõ ràng như một số nước đã làm:

  • Nêu rõ trên nhãn, SĐCĐ được dùng vào những mục đích nào, để tránh nhầm lẫn.
  • Khuyến cáo không nên dùng SĐCĐ cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Truyền thông để mọi người nhận ra những sai lệch trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, trẻ đang tăng trưởng, người bệnh, người già yếu...
  • Và các hoạt động hỗ trợ khác, ví dụ, trong những năm trước đây, tại Thái Lan có tổ chức "Quỹ sữa bột" (Powdered Milk Fund) hỗ trợ sữa bột cho những gia đình nghèo khó có trẻ nhỏ nuôi bằng SĐCĐ... như là một tổ chức phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

BS. Nguyễn Ngọc Hải

Nguồn: http://www.mamnon.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác