Thị trường trong nước

Thịt ngoại rẻ, ngành chăn nuôi thêm khó khăn
(Dairy Việt Nam) - Khi Việt Nam đang chuẩn bị tham gia các Hiệp định Thương mại, bên cạnh những cơ hội, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị làn sóng thịt ngoại cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng...

Rộng cửa cho thịt ngoại

Chưa bao giờ các “thượng đế” trong nước lại có nhiều cơ hội sắm sửa bữa ăn cho gia đình mình với đa dạng sự lựa chọn về thịt ngoại như hiện nay. Tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thịt bò, gà... có nguồn gốc từ nước ngoài được trưng bày ở các vị trí bắt mắt nhất thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng. “So với thịt trong nước, thịt ngoại chất lượng hơn mà giá cả lại rất cạnh tranh. Ví dụ như miếng thịt bò Mỹ mà chị vừa mua, mềm, thơm, màu sắc đẹp mà giá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg.

Còn đùi gà ngoại giá rẻ hơn đùi gà công nghiệp Việt Nam hơn 10.000 đồng/kg; gà dai Hàn Quốc thì cực rẻ có khi chỉ bằng phân nửa...”, chị Nguyễn Hà Thu ở quận 3 nhận xét.Các chuyên gia trong ngành lo ngại, thời gian tới với sự tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tương lai của thịt nội sẽ còn bi đát hơn.

Lúc này sẽ có khoảng 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và thịt ngoại đã rẻ sẽ lại càng cạnh tranh hơn. Nguyên nhân thịt nội vất vả trong cuộc chiến với thịt ngoại là do ngành chăn nuôi trong nước năng suất quá thấp, chỉ bằng khoảng 30% so với các nước phát triển. “Mỗi con lợn nái của các nước thường cho năng suất tới 2,6 tấn thịt hơi/năm, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 650 kg hơi/năm. Khả năng sinh sản của lợn nội cũng chỉ đạt hơn 50%.

Trong khi đó chăn nuôi trong nước lại manh mún, nhỏ lẻ. Nguyên liệu sản xuất thức ăn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài khiến giá thức ăn luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 đến 15%...”, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình cho hay. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính 5 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu gần 57.000 tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu là đùi, cánh, đầu và chân), tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2014. Còn kim ngạch nhập khẩu thịt lợn cũng đạt gần 4 triệu USD, tăng hơn 60% về giá trị.

Khi ký kết xong các Hiệp định thương mại, điều đáng lo nhất là thịt bò nhập từ Úc, thịt lợn, thịt gà nhập từ Mỹ... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của ngành chăn nuôi trong nước. Các quốc gia như: Úc, New Zealand, Mỹ... có năng lực cạnh tranh ở những sản phẩm chăn nuôi bao gồm thịt và sữa với những yêu cầu kỹ thuật thuộc loại cao nhất trên thế giới. Tăng sức cạnh tranh Là địa phương có diện tích tổng đàn lợn, gia cầm lớn nhất nước, tỉnh Đồng Nai đang triển khai tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi theo hướng ổn định về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chương trình để hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cùng người chăn nuôi hình thành những chuỗi liên kết sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành chăn nuôi. “Khi tham gia các hiệp định thương mại, để tồn tại và tăng sức cạnh tranh những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải liên kết nhau lại để tổ chức sản xuất số lượng lớn.

Hiện các chủ trang trại trên địa bàn đã thông qua các Hiệp hội nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài thay vì mua trực tiếp từ các nhà nhập khẩu giúp hạ giá thành đầu vào”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi trong nước đã phát triển ổn định và giá bán đang mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Người chăn nuôi nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang quy mô gia trại, nông trại. Đây là tín hiệu vui vì khi chăn nuôi theo quy mô lớn, người chăn nuôi sẽ kiểm soát được an toàn dịch bệnh, giảm chi phí... Do tâm lý quen tiêu dùng sản phẩm chế biến ngay nên ngành chăn nuôi trong nước vẫn có nhiều cơ hội so với thịt đông lạnh nhập khẩu.

Tuy nhiên nhìn xa hơn, muốn ngành chăn nuôi phát triển bền vững Việt Nam cần có chiến lược phát triển và cạnh tranh, trong đó tăng cường vai trò liên kết của các bên có liên quan như Nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi, nhà khoa học.

Các cơ quan quản lý nhà nước sớm tổ chức nghiên cứu, ban hành, thực thi những rào cản bảo hộ như hạn ngạch thuế quan, kỹ thuật, kiểm dịch động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm... giúp ngành chăn nuôi giảm thiểu các tổn thất

Lê Nghĩa

Nguồn: baotintuc.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác