Thị trường trong nước

Sữa bột nhăm nhe 'hạ gục' bò sữa Hà Nội
(Dairy ViệtNam) - Trước áp lực sản phẩm sữa bột từ châu Âu giá rẻ tràn vào nước ta khiến chăn nuôi bò sữa nông hộ gặp nhiều khó khăn, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp liên kết, tiêu thụ sản phẩm sữa cho người chăn nuôi

Quy mô đàn nhỏ

Theo số liệu Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội công bố, tính đến tháng 7/2015, tổng đàn bò sữa trên toàn TP Hà Nội là 15.288 con/3.314 hộ (bình quân 4,6 con/hộ).

Trong đó, bò sinh sản 9.757 con (chiếm 63,8% tổng đàn), bò vắt sữa 7.466 con (chiếm 76,5% tổng đàn), sản lượng sữa đạt bình quân 111 tấn/ngày. Về năng suất sữa, bình quân đàn bò sữa đạt khoảng 4.600 - 4.800 kg/chu kỳ 305 ngày. Sở dĩ năng suất chu kỳ sữa thấp do cơ cấu giống hiện nay chủ yếu nuôi giống bò lai Hà Lan (HF). Trong đó, bò thuần chủng chỉ đạt 8%, HF F3 chiếm 72%, HF F2 chiếm 12% và HF F1 8%.

Việc cơ cấu giống bò nhập ngoại chất lượng cao còn thấp, cộng quy mô tổng đàn nhỏ khiến các hộ chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn khi giá sữa bột thế giới liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây. Hiện Hà Nội có 45 trạm thu gom sữa của 6 DN ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ và TX Sơn Tây.

Trong đó Cty CP Sữa quốc tế (IDP) có 27 trạm, sản lượng 78 tấn/ngày (chiếm 70,3%); Cty CP Sữa Ba Vì 5 trạm, bình quân 8 tấn/ngày (chiếm 7,2%); Cty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) 1 trạm, 0,7 tấn/ngày (chiếm 0,63%); Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sở hữu 8 trạm, sản lượng bình quân 16 tấn/ngày (chiếm 14,5%); Cty CP Sữa Xuân Mai 2 trạm, sản lượng 1,1 tấn/ngày (chiếm 1%) và Cty Dutch Lady Việt Nam (thương hiệu Cô gái Hà Lan) 1 trạm, sản lượng bình quân 1,2 tấn/ngày (chiếm 1,1%).

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hộ chăn nuôi bò sữa phản ánh thời gian gần đây việc chăn nuôi bò sữa nông hộ có khó khăn khi giá sữa bột thế giới giảm mạnh. Theo các hộ dân thì Cty CP Sữa quốc tế (IDP) là đơn vị thu mua sữa lớn nhất trên địa bàn. Song hiện giá thu mua sữa tươi của IDP lại thấp nhất trên thị trường khi chỉ đạt 11.000 - 12.000 đ/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Mười ở xã Yên Bài, Ba Vì, bình quân mỗi ngày gia đình ông cung cấp theo hợp đồng với IDP hơn 1 tạ sữa tươi, nếu nhân lên với giá 12.000 đ/kg sẽ được 1,4 - 1,5 triệu đồng

. Tuy nhiên, nếu bị phía Cty thông báo bị vi phạm chỉ tiêu về vi sinh, ngay lập tức giá sữa của gia đình ông bị đánh tụt xuống chỉ còn 6.000 đ/kg, gây thiệt hại rất lớn.Nhưng điều khiến ông Mười băn khoăn nhất là việc lấy mẫu sữa phân tích hiện nay đều được thực hiện tại nhà máy, bản thân ông không được chứng kiến, giám sát nên ông không tin tưởng vào các kết quả phân tích đó.

Đại diện một số trạm thu mua sữa chia sẻ, hiện chi phí để mua tank và lập một trạm thu mua sữa lên tới 1,2 - 1,8 tỷ đồng, nhưng phía IDP không hỗ trợ một chút kinh phí nào nên việc mở rộng, nâng cấp các trạm thu gom sữa gặp rất nhiều khó khăn.

Minh bạch sữa bột - sữa tươi

Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều giữa phía các hộ chăn nuôi bò sữa với phía DN thu mua sữa, nhưng đại bộ phận các cơ quan quản lý và người dân đều đề nghị cần minh bạch giữa sữa tươi nguyên chất và sữa bột hoàn nguyên, bởi chính việc nhập nhèm này khiến sữa tươi lép vế trước sữa bột.

Theo ông Tăng Xuân Lưu, GĐ Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi), hiện giá sữa bột thế giới chào hàng tại các nhà máy sữa chỉ từ 56.000 - 57.000 đ/kg, tính ra khi pha thành sữa nước giá thành chỉ vào khoảng 6.000 - 7.000 đ/lít. Trong khi đó, giá thành 1 lít sữa tươi nông dân làm ra đã lên tới 8.000 - 9.000 đ thì rất khó để cạnh tranh nếu không có sự minh bạch. Bên cạnh đó, với hệ thống bán lẻ khi bán sữa bột bao giờ lợi nhuận cũng cao hơn sữa tươi nên lại tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng nữa.

Để làm được việc này, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng. Bởi năm 2005 tại hội nghị về chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Long An chúng ta bắt đầu đề cập tới sữa bột và sữa tươi. Những năm sau ngành chăn nuôi bò sữa phát triển chóng mặt nhờ cú hích này", ông Lưu nói

 Đồng tình quan điểm trên, TS Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Y tế để trong thời gian sớm nhất là cuối năm nay ban hành được Quy chuẩn Việt Nam về sữa. Khi đó, các nhà SX sữa phải minh bạch giữa sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên. Bởi theo ông Vân, làm được việc này sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. Bởi người tiêu dùng không dại gì lựa chọn sữa bột hoàn nguyên bởi hàm lượng dinh dưỡng của sữa bột chỉ bằng 1/16 sữa tươi

. “Theo thống kê, hai năm trở lại đây giá sữa thế giới trên thị trường đã giảm tới 80%. Quan điểm của tôi là không thể kỳ vọng giá sữa tươi tăng lên được nữa mà chỉ dao động khoảng 9.000 - 10.000 đ.

Hiện giá thu mua thấp nhất thuộc về IDP là 12.000 đ/kg là ổn. Vì vậy, ngành chăn nuôi bò sữa Hà Nội cần xác định rõ ràng để có những lộ trình, chuẩn bị ứng phó. Cần nâng cao chất lượng giống bởi hiện nay đa số bò sữa của Hà Nội là bò lai, năng suất sữa bình quân thấp hơn các nước phát triển từ 50 - 100% thì rất khó để cạnh tranh. Nếu cứ cho bò ăn tới 80% cỏ voi thì có bò ngoại cũng không thể cho sản lượng sữa cao được”, ông Vân nhấn mạnh.

Một vấn đề vô cùng cấp bách khác trong bối cảnh hội nhập hiện nay, theo TS Hoàng Thanh Vân là Hà Nội cần phải kiện toàn lại ngay. Đó là không có nơi nào mà một DN sữa phải ký hợp đồng thu mua sữa với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân như ở Hà Nội cả. Do đó, các hộ chăn nuôi phải liên kết lại với nhau mới mong tạo thành đối trọng để có vị thế, chỗ đứng vững chắc hơn nữa trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng với DN

.NGUYỄN HUÂN

Nguồn: nongnghiep.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác