Sữa Việt Nam

Triển vọng chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín

Từ đầu mùa hè năm nay, anh Lê Văn Tuấn, Khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) chăn nuôi 20 con bò sữa trong chuồng kín. Đây là hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín.

 Được biết, khu chuồng kín này mới được anh Tuấn xây dựng từ đầu năm, áp dụng tương tự cách làm chuồng kín nuôi gia cầm và lợn. Theo đó, khu chuồng được xây dựng kín, lắp đặt giàn lạnh và sử dụng quạt hút, đồng thời được cải tiến có thêm cửa để khi trời mát có thể mở cho bò ra sân.

 

Với cách làm này, nhiệt độ trong chuồng bò luôn ở mức không quá 30oC (dù nhiệt độ bên ngoài có thể lên 38 – 40oC), đây là nền nhiệt độ thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. Anh Tuấn cho biết: Mùa hè năm nay xuất hiện những đợt nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài rất dễ tác động tiêu cực đến bò sữa vốn xuất xứ từ vùng ôn đới. Tuy nhiên, với mô hình chuồng kín, đàn bò sữa của gia đình tôi luôn được chăm sóc tốt nhất. 


Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín của anh Tuấn đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với chuồng hở truyền thống trước đây. Nổi bật, nhiệt độ trong chuồng nuôi được kiểm soát vào những ngày nắng nóng. Do đó, bò sữa không bị sốc nhiệt dẫn đến bỏ ăn, uống. Vì thế, sức đề kháng của đàn bò sữa được tăng lên, không có biểu hiện của những loại bệnh xuất phát từ nắng nóng. Quan trọng, bò sữa không còn tình trạng bị sảy thai, năng suất sữa cơ bản được giữ nguyên như những mùa mát. Chi phí xây dựng chuồng kín cho bò sữa cũng chỉ gấp khoảng 1,5 lần so với chuồng hở. Lượng điện tiêu thụ gấp gần 2 lần do sử dụng giàn lạnh và quạt hút công suất lớn hơn quạt gió trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn rất nhiều so với nuôi bò sữa trong chuồng hở mùa nắng nóng.

 

Được biết, anh Lê Văn Tuấn đã chăn nuôi bò sữa được hơn 10 năm. Trước đây, vào mùa hè, những ngày nhiệt độ lên quá cao đàn bò thường bị sốc nhiệt, bỏ ăn, uống, sức đề kháng kém dẫn đến bị mắc nhiều loại bệnh, gây thiệt hại lớn. Tỷ lệ bò đã phối giống bị sảy thai do tác động từ nắng nóng lên đến 30%; năng suất sữa giảm mạnh, bình quân còn 13 – 15 kg/con/ngày, mùa mát đạt 20 – 25 kg/con/ngày. Trong 2 mùa hè (năm 2017 và 2018), gia đình anh Tuấn có tới 20 con bò sữa bị chết do sốc nhiệt và bị bệnh.

 

Anh Tuấn chia sẻ: Những thiệt hại trong mùa nắng nóng buộc tôi phải nghĩ tới biện pháp cải tiến chuồng trại. Mục tiêu chính là bảo đảm bò được nuôi trong điều kiện nhiệt độ ổn định, tốt nhất trong mùa hè. Cách làm này cũng giúp giữ ấm, ngăn gió lùa trong mùa đông, ngăn ngừa sự lây lan khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn…

 

Hiệu quả bước đầu từ chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín của anh Tuấn đã được chứng minh. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng đã đến tham quan, học tập để cải tạo chuồng trại của gia đình. Anh Nguyễn Tiến Đạt, Khu chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu của Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam (xã Mộc Bắc) đang có đàn bò sữa 80 con, nuôi trong hệ thống chuồng hở. Qua theo dõi quá trình chăn nuôi bò sữa trong chuồng kín của anh Tuấn, anh đang tính toán áp dụng cho trang trại của mình. Theo anh Đạt, chăn nuôi bò sữa chuồng kín của anh Tuấn là giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn bò sữa trước nắng nóng mùa hè và gió rét mùa đông. Tới đây, tôi sẽ tính toán cải tạo chuồng trại chăn nuôi bò sữa của gia đình theo hướng chuồng kín. Do làm sau nên sẽ rút được kinh nghiệm để chuồng trại phát huy hiệu quả cao nhất.

 

Đàn bò sữa của tỉnh hiện có 3.946 con của 195 hộ và trang trại chăn nuôi. Gần như toàn bộ các hộ đều đang áp dụng chăn nuôi theo dạng chuồng hở truyền thống. Vào mùa nắng nóng, dù kết hợp rất nhiều biện pháp hạ nhiệt, nhưng hiện tượng bò bị sốc nhiệt, sảy thai, giảm năng suất sữa… vẫn xảy ra thường xuyên. Do vậy, mô hình chăn nuôi chuồng kín của anh Lê Văn Tuấn cần được các hộ chăn nuôi bò sữa xem xét áp dụng.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc cải tiến chuồng trại của hộ anh Lê Văn Tuấn đã đem lại hiệu quả, mở ra hướng mới trong xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sữa. Từ mô hình chuồng kín này, tới đây, Chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật tìm hiểu, nghiên cứu để khuyến cáo và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Giải quyết tốt được vấn đề chuồng trại, nhất là chống nóng sẽ giúp đàn bò sữa của tỉnh có điều kiện phát triển, nâng cao được cả tổng đàn và sản lượng sữa.

 

 Mạnh Hùng

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác