Sữa Việt Nam

Tạo chỗ đứng cho chuỗi bò sữa an toàn đầu tiên tại Vĩnh Phúc

Đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm từ bò sữa, HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (thôn Nghĩa Lý, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã nâng cao giá trị sản phẩm và giúp bà con nông dân bảo đảm an toàn lao động, chủ động được đầu ra để tạo chỗ đứng cho chuỗi bò sữa an toàn đầu tiên tại Vĩnh Phúc.

 Hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, HTX xác định phải tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết từ sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng người nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc hễ cứ sản xuất ra phải phụ thuộc vào các công ty sữa, thường xuyên bị ép giá, HTX đã tiên phong chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò nhằm giúp bà con nông dân chủ động về đầu ra.

 

Công nghệ là yếu tố then chốt

 

Chị Lê Thị Trang, Giám đốc HTX cho biết: “Xác định công nghệ là yếu tố then chốt, tạo lợi thế cạnh tranh, các thành viên HTX đã cùng nhau góp vốn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm: Máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy đóng gói có ghi ngày đóng gói và hạn sử dụng, phòng lạnh bảo quản sản phẩm. Đồng thời, hoàn tất hồ sơ, thủ tục để Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ sữa".

 

Để bảo đảm chất lượng các sản phẩm luôn tươi, ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng, sau khi thu gom sữa, thành viên của HTX thực hiện chế biến và chuyển hàng thành phẩm đi luôn trong ngày đến nơi tiêu thụ. HTX yêu cầu việc vắt sữa tốt nhất là luôn luôn do một người tiến hành.Trên mỗi sản phẩm đều có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định để kiểm soát chất lượng và giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, tất cả các công đoạn từ sản xuất sữa nguyên liệu tại các hộ chăn nuôi, quá trình thu mua, chế biến sữa đều tuân thủ đúng quy trình bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

 

Kỹ thuật khai thác sữa bò cũng phải bảo đảm ATLĐ. Các thành viên HTX được trang bị quần áo bảo hộ lao động trong vắt và chế biến sữa; luôn đảm bảo quần áo sạch sẽ. Người vắt sữa làm việc phải nhẹ nhàng, bình tĩnh, có hiểu biết về bò sữa và yêu mến con vật, phải là người không mắc bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào. Móng tay thường xuyên được cắt ngắn.

 

Trước khi vắt sữa, người lao động phải rửa tay với xà phòng, kỳ chải móng tay và sau đó lau khô cẩn thận bằng khăn lau sạch. Bên cạnh đó, từ vùng nguyên liệu đến kỹ thuật chăn nuôi của bà con nông dân đều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, ATLĐ cho chính người sản xuất và bảo đảm sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

 

Khẳng định chỗ đứng

 

Tháng 1/2019, những lô sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa chua uống, sữa thanh trùng, bánh sữa... đầu tiên mang thương hiệu Bò sữa Tam Đảo đã chính thức ra mắt người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm của HTX đều đủ điều kiện công bố sản phẩm và đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ sữa.

 

Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 300 thùng sữa các loại. Sản phẩm không chỉ được phân phối ở trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng…Từ chỗ chưa có thị trường tiêu thụ, phải đi chào hàng ở các chợ quanh vùng, trong vòng chưa đầy 3 tháng, các sản phẩm từ sữa bò của HTX đã dần khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng khen ngợi, đánh giá cao nhờ hương vị đặc trưng riêng, hình thức, mẫu mã đẹp mắt.

 

Chị Kim Thị Tân, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Đây là hướng đi mới của người nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc. Các sản phẩm từ sữa cho giá trị kinh tế cao hơn so với bán sữa tươi nguyên liệu, cho giá trị gia tăng trên 30%. Những thành công ban đầu của HTX đã mở ra niềm tin phát triển thương hiệu bò sữa Tam Đảo trong tương lai”.

 

Đánh giá về mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ tiên phong ở Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Tự Cường, Trưởng phòng Thương mại và Chế biến nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Vĩnh Phúc khẳng định các HTX, doanh nghiệp khác có thể học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra không chỉ sản phẩm sữa mà còn các sản phẩm khác nữa. Bởi, mô hình không chỉ tạo được đầu ra ổn định cho các nông sản mà còn chế biến ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

 

Thu Huyền

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác