Sữa Việt Nam

Lâm Đồng: Tiếp đà phát triển đàn bò sữa chất lượng cao

Nhiều năm trở lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa đã dần trở thành một trong những lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp, đặt ra vấn đề tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa sao cho chất lượng cao.

 Những ngày này, nông dân ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) đang phấn khởi vì sữa bò được các doanh nghiệp thu mua với giá cao, dao động từ 12.000-14.000 đồng/lít. 

 

Tại huyện Đơn Dương, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, những hộ chăn nuôi bò sữa hiện nay đều có thu nhập rất ổn định. Thậm chí nhiều hộ chỉ sau 3-4 năm đã trở nên khá giả. Bởi người chăn nuôi ước tính, nếu nuôi một con bò sữa 6 năm đúng kỹ thuật thì chỉ cần hai năm đầu là có thể hoàn vốn, 4 năm còn lại là thời gian thu lợi nhuận. Hơn nữa, hiện nay các công ty sữa có hình thức ứng cám chăn nuôi trả sau bằng sữa, điều này vừa thuận lợi cho người nông dân vừa đảm bảo chất lượng sữa cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty còn thường xuyên hỗ trợ bà con trong công tác chăm sóc sức khỏe đàn bò, đặt các trạm thu mua sữa gần khu vực chăn nuôi rất thuận lợi cho bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm. 

 

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa nên có 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina (cô gái Hà Lan) và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang đẩy mạnh việc liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến sữa tươi, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. 

 

Bà Lê Thị Bé, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, hầu hết người chăn nuôi đều đạt được các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chế biến trong việc tiêu thụ sữa. Các công ty thu mua, chế biến sữa đặt quy định chỉ ký hợp đồng tiêu thụ sữa đối với những hộ chăn nuôi có quy mô đàn tối thiểu 10-12 con. Do vậy, những hộ dân mới đầu tư, vốn ít, thiếu kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn nên huyện và người dân đang thực hiện các biện pháp về tăng số lượng đàn bò trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư phát triển đàn bò chất lượng để cho ra sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Huyện Đơn Dương xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc xây dựng nông thôn mới.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện phát triển đàn bò sữa theo hướng chọn lọc nâng cao chất lượng giống, hỗ trợ người chăn nuôi trong việc lai tạo, phát triển giống thuần Holstein Friesian (HF). Ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến nâng tỷ lệ giống thuần trên 95% tổng đàn để tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, máy móc để hỗ trợ người dân kiểm nghiệm sữa tươi, xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng sữa để có biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng sữa.

 

Để nâng cao chất lượng trong chăn nuôi bò sữa, ngành nông nghiệp của Lâm Đồng đang hướng tới việc áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho bò. 

 

Từ năm 2019, phần mềm tính toán, phân tích khẩu phần ăn cho bò sữa sẽ được ứng dụng đối với các mô hình trình diễn, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi cho các hộ, trang trại bò sữa trên toàn tỉnh. 

 

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp cùng trung tâm nông nghiệp các huyện, TP phố Bảo Lộc và Trung tâm nghiên cứu - Phát triển chăn nuôi gia súc lớn (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) tổ chức tập huấn cho 36 người về quy trình quản lý giống, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Tổ chức 13 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân;, nâng cao tay nghề kỹ thuật viên lai tạo giống bò cũng như hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý trang trại bò sữa cho các huyện, thành phố của tỉnh. 

 

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn bò sữa khoảng trên 20 nghìn con, với sản lượng sữa trên 76 nghìn tấn/năm. 

 

Dự kiến, đến hết năm 2019, đàn bò sữa của tỉnh tăng lên 21.400 con với sản lượng sữa ước khoảng 80,7 nghìn tấn. Trong đó, huyện Đơn Dương phát triển khoảng 13 nghìn con, Đức Trọng là 4,5 nghìn con và các huyện, thành phố như Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Dinh, Bảo Lộc, Đà Lạt sẽ phát triển đàn từ 100-1.000 con. Hầu hết bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để phục vụ công tác quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa.

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác