Sữa Việt Nam

Khó khăn vẫn 'đeo bám' bầu Đức

Mặc dù đã “tức thời” chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp khi bất động sản gặp khó, nhưng biến động thị trường cùng sự cạnh tranh gay gắt đang khiến bầu Đức “đau đầu”.

 

 

 

 

 

Quả ngọt đầu mùa

 

Khi thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng, nhiều “ông lớn” lao đao vì không bán được nhà, bầu Đức đã thể hiện sự nhạy bén của mình khi quyết định chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp quy mô lớn. Sự thay đổi kịp thời của bầu Đức đã chèo lái “con thuyền” HAGL vượt qua “đợt sóng” lớn.

 

Theo báo cáo kinh doanh 2014 của HAGL, nông nghiệp là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn này với con số lên tới hơn 1,4 trong tổng số 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành mía đã mang lại hơn 1 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu về doanh thu.

 

2014 cũng là năm đầu tiên cây bắp được HAGL chính thức đưa vào kinh doanh với doanh thu khá ấn tượng, đạt 205 tỷ đồng.

 

HAGL cũng tiến hành đầu tư sang cây cọ dầu với hơn 17 nghìn ha đã được trồng ở Campuchia và dự kiến sẽ lên đến 30.000 ha ngay trong năm 2015. Cũng vào tháng 7/2015 tới, nhà máy chế biến dầu cọ của tập đoàn cũng sẽ đi vào hoạt động với công suất chế biết lên đến 270 nghìn tấn quả tươi/năm.

 

Đến nay, HAGL có khoảng 44.500 ha cao su, 8.000 ha mía đường, 17.300 ha cọ dầu, khoảng 5.000 ha ngô.

 

Mới đây nhất, bầu Đức đã tiến sâu hơn một bước vào nông nghiệp bằng dự án mở các trang trại bò siêu “khủng”. Dự án này được đầu tư với số vốn 6.300 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư và hoàn thành vào năm 2017. Trong đó, giai đoạn 1 (2014 - 2015), tập đoàn sẽ “rót” 3.100 tỷ phát triển đàn bò tại Gia Lai, Lào và Campuchia. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con (120.000 con sữa và 116.000 con bò thịt). Đồng thời, HAGL tiếp tục đầu tư Dự án nuôi bò tại Đắk Lắk với 5.000 -7.000 tỷ đồng, cùng Công ty Nutifood xây trạng trại nuôi bò sữa lớn nhất Việt Nam tại Hà Nam.

 

Những thành quả đạt được trong nông nghiệp cũng kéo theo tình hình kinh doanh bất động sản của HAGL khởi sắc hơn. Theo đó, bằng việc tái cơ cấu, HAGL đã đẩy nợ bất động sản sang cho An Phú (một công ty con với 99,9% vốn đầu tư của HAGL).

 

An Phú có nhiệm vụ thực hiện bán các dự án bất động sản cho HAGL, xử lý các khoản nợ xấu cho công ty mẹ. Với bước đi khôn ngoan này, nợ xấu của HAGL sẽ có thể giảm tới 1,7 nghìn tỷ.

 

Tính đến cuối 2013, nợ xấu của HAGL còn 16,3 nghìn tỷ, giảm 20,5% so với năm 2012.

 

Trái đắng trước mặt

 

Dù đã gặt hái được những thành công nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng có vẻ khó khăn vẫn “bám đuổi” theo bầu Đức. Cố phiếu mất điểm, nông sản rớt giá cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường đã “cuốn” đi không ít tài sản của đại gia phố núi trong thời gian qua.

 

   Khó khăn vẫn 'đeo bám' bầu Đức - Ảnh 2

 

Nhiều khó khăn đang "chờ đón" bầu Đức

 

Trong hơn 1 tháng, cổ phiếu HAG đã suy giảm khá mạnh, từ mức 20.700 đồng (ngày 16/4) xuống 17.800 đồng (ngày 13/5), khiến HAGL rơi vào thế bí. Cổ phiếu giảm giá trong giai đoạn thị trường khó khăn là điều hết sức bình thường; thế nhưng, việc giảm tới 15% trong thời gian ngắn của một “ông lớn” như HAG là một cú sốc không hề nhỏ.

 

Minh chứng rõ nhất cho sự xuống dốc này là trong phiên giao dịch đầu tháng 5 vừa qua, với cú mất điểm lên tới 5% của HAG (từ 20.100 đồng xuống còn 19.100 đồng/cổ phiếu) và nắm giữ gần 343 triệu cổ phiếu, tài sản của bầu Đức đã bị “quét bay” gần 343 tỷ đồng.

 

Hiện tại, giá cổ phiếu của HAGL vẫn tiếp tục cú trượt dốc dài. Tuần vừa qua, HAGL và bầu Đức đã mua tổng cộng 15 triệu cổ phiếu HAG (dự kiến giao dịch được tiến hành từ 18/5-17/6), trong đó, đại gia phố núi đã bỏ ra 91 tỷ đồng để mua 5 triệu cổ phiếu.

 

Trên “mặt trận” nông nghiệp, tương lai cũng không mấy sáng sủa đối với bầu Đức. Hàng loạt khó khăn về giá cả, cạnh tranh thị trường đang là lực cản không hề nhỏ đối với con đường làm giàu của vị Chủ tịch HAGL.

 

Sự rớt giá thảm hại của mủ cao su thế giới đang khiến HAGL “vỡ mộng” về loại cây này. Theo ước tính, mỗi năm HAGL có thể khai thác được 127.500 tấn mủ cao su và có thể thu về khoản lợi nhuận kếch xù nhờ vào tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 76%. Thế nhưng, giá mủ cao su tụt dốc liên tục suốt 3 năm, từ 5 – 6.000 USD xuống còn mức 1.500 USD /tấn. Với mức giá này, hoạt động khai thác mủ cao su của HAGL gần như chỉ hòa vốn.

 

Ngoài cao su, mía đường – “con át chủ bài” trong lĩnh vực nông nghiệp của HAGL hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh gay gắt của thị trường mía đường Thái Lan cùng các sản phẩm trong nước.

 

Thêm vào đó, việc đầu tư hàng loạt các dự án lớn với số vốn khổng lồ cũng khiến HAGL “ngốn” nhiều tiền hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa bầu Đức phải “chạy vạy” nhiều hơn để có thể xoay xở.

 

Tính đến cuối 2014, tổng nợ của HAGL đã lên tới gần 21 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã chiếm gần 9,3 nghìn tỷ đồng.

 

P.Tuyến

Nguồn: nguoiduatin.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác