Sữa Việt Nam

Hà Nội định hướng lại kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi bò

Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo xã, vùng trọng điểm, xa khu dân cư, tập trung tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ. Riêng huyện Gia Lâm có lộ trình giảm dần do đã có định hướng trở thành quận.

 Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hà Nội, thành phố đang có kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi trong đó có chương trình riêng cho phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt.

 

Cụ thể theo kế hoạch, việc quan trọng đầu tiên là phát triển diện tích trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi. Xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao.

 

Việc phát triển số lượng đàn trâu bò ở Hà Nội hiện nay không dễ do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Trong khi đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho trâu bò đang dần bị thu hẹp dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi còn hạn chế, thiếu hụt. Do vậy, điều quan trọng thứ hai theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho trâu, bò.

 

Điểm thuận lợi cho doanh nghiệp có ý định đầu tư là hiện Hà Nội chưa có cơ sở nào sản xuất thức ăn chăn nuôi cho trâu bò. Đồng thời, doanh nghiệp có thể huy động được các tỉnh, thành xung quanh cùng nhập cuộc để cung ứng nguyên liệu như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và tận dụng các vùng bãi sông trồng thân cây ngô, cỏ họ đậu.

 

Một thuận lợi khác là đàn bò của Hà Nội có chất lượng tương đối tốt nhờ mấy năm vừa qua thành phố có chính sách hỗ trợ giống, nên có nhiều giống mới như Brahman, Droghmaster, Wagyu… Nhưng giống chất lượng cao cũng đòi hỏi phải có thức ăn chăn nuôi chất lượng cao mới đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng để phát triển, đảm bảo chất lượng thịt.

 

Do tình hình của những hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, các hộ còn hạn chế đầu tư cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên môi trường trong chăn nuôi vẫn bị ô nhiễm. Việc xử lý chất thải, dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, thiếu điều kiện vệ sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

 

Thông tin trên Tạp chí Chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 7 Công ty cùng với 3 nhà máy chế biến sữa hoạt động thu mua sữa với trên 32 trạm thu gom.

 

 

Ngoài ra còn có nhiều các cơ sở/hộ chế biến, kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa như bánh sữa, sữa chua hoạt động trên địa bàn huyện Ba Vì và tuyến đường Quốc lộ 32, 21, đại lộ Thăng Long kéo dài. Sản lượng sữa bò tươi trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Như vậy có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò sữa của Hà Nội vẫn còn rất lớn.

 

Thành phố đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn cao (chiếm 60%). Còn có nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát. Người chăn nuôi bước đầu mới chỉ chú trọng tăng năng suất. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế của thủ đô.

 

Từ thực tế ấy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới của Hà Nội là tiếp tục thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo xã, vùng trọng điểm, xa khu dân cư, trong đó, tập trung ở một số huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế (Ba Vì, Phúc Thọ...).

 

Riêng huyện Gia Lâm có lộ trình giảm dần chăn nuôi bò sữa do đã có định hướng lên quận, không phát triển chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng.

 

Duy trì ổn định đàn bò sữa tại các xã chăn nuôi trọng điểm với tổng đàn khoảng 15 ngàn con, chủ yếu nâng cao về chất lượng, sản lượng sữa đạt gần 39 nghìn tấn/năm. Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sữa.

 

Định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa thời gian tới của Hà Nội

 

Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sữa.

 

Phấn đấu tất cả các cơ sở sơ chế, chế biến sữa đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO…) 100% sản phẩm sữa được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 70% cơ sở chăn nuôi bò sữa ngoài khu dân cư đạt tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

 

Tập trung phát triển các hộ chăn nuôi xa khu dân cư có quy mô bình quân 10 con/hộ, chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, sinh học. Tập trung chủ yếu ở các xã Tản Lĩnh, Vân hòa, Yên Bài, Minh Châu (Ba Vì) và Phượng Cách (Quốc Oai).

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác