Sữa Việt Nam

HTX Bò Sữa Đông Thạnh gồng mình bám trụ giữa bão giá

Chi phí vận chuyển, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá trong khi giá cả sản phẩm đầu ra phải đảm bảo ổn định khiến HTX Bò sữa Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) phải gồng mình bám trụ để giữ lại nghề truyền thống của địa phương.

 HTX Bò sữa Đông Thạnh được thành lập năm 2018 với số lượng thành viên là 70 hộ chăn nuôi, sản lượng sữa cung cấp cho HTX là 5 - 6 tấn mỗi ngày. Thị trường của HTX là các trường học trên địa bàn TP.HCM, các đại lý cấp 1 và các  tỉnh từ Phú Yên tới Cà Mau.

 

HTX sản xuất với quy trình khép kín từ đầu vào cho tới đầu ra. Quy trình bao gồm khâu tiếp nhận sữa của người dân đến bảo quản ở nhiệt độ từ 0 độ C đến 2 độ C, đưa vào thanh trùng, cấy men rồi đóng gói bảo quản lạnh. Còn sản phẩm sữa tươi sẽ bỏ qua khâu lên men và được làm theo đơn đặt hàng.

 

Tuy nhiên, tới hiện tại, tổng đàn bò của HTX đã giảm khoảng 70%. Giám đốc HTX Bò sữa Đông Thạnh - bà Võ Thị Bích Liễu cho biết: “Thức ăn chăn nuôi từ năm 2020 tới nay tăng gấp 10 lần. Trong khi đó để nuôi một con bò đến lúc cho sữa phải tốn rất nhiều chi phí, vì thế các hộ dân bỏ dần việc nuôi bò sữa. Hiện, chỉ còn 8 hộ dân cung cấp sữa cho HTX.”

 

Để duy trì lượng sản phẩm từ sữa cung cấp cho thị trường, HTX đã thu mua thêm sữa từ các trạm trung chuyển ở Đà Lạt và Củ Chi với giá 15.000 đồng/ký, còn giá thị trường thu mua bên ngoài là 13.000 đồng/ký. Các nguồn sữa này cũng phải đảm bảo chất lượng và được kiểm tra trước khi nhập về xưởng chế biến.

 

Không chỉ vậy, để giữ chân khách hàng, HTX đã ký hợp đồng cam kết không tăng giá với các đơn vị. Chính vì điều này khiến cho HTX Bò sữa Đông Thạnh khó khăn lại chồng chất khó khăn.

 

Giá xăng lên, HTX đã giảm lượng sản phẩm cung cấp cho đầu mối các tỉnh. Hiện, chỉ còn Bình Dương với Cần Thơ là 2 tỉnh mà HTX vẫn duy trì hợp đồng vì có phụ chi phí vận chuyển. Bà Bích Liễu cho biết: “Cách đây khoảng hai năm thì lợi nhuận thu được là 100 triệu/tháng. Còn bây giờ, duy trì được HTX là tôi vui rồi.” 

 

Bà nói thêm, dù khó khăn nhưng HTX vẫn bám trụ tới hôm nay vì mong muốn gìn giữ, phát triển đàn bò, nghề truyền thống của người dân ở đây. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác