Sữa Việt Nam

Gỡ khó cho người nuôi bò sữa

Chúng tôi trở lại huyện Củ Chi sau chỉ đạo của Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng tháng 2/2016 về việc tập trung gỡ khó tiêu thụ sữa cho người chăn nuôi

 Rất nhiều giải pháp đưa ra, chính quyền từ huyện đến các cấp xã cũng đã có những động thái tích cực.

 

 Giảm đàn

 

Bà Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch HND xã Tân Thông Hội (Củ Chi) cho biết, sau những chỉ đạo rốt ráo của chính quyền địa phương, xã tổ chức cho những hộ dân chưa ký hợp đồng tự nguyện tham gia tổ hợp tác.

 

 Mỗi tổ bầu ra tổ trưởng, tổ phó, chịu trách nhiệm liên lạc, thông báo cho các tổ viên mọi vấn đề liên quan đến chăn nuôi, tiêu thụ sữa bò. Tổ viên phải cam kết tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, sản phẩm đảm bảo vệ sinh, không có kháng sinh, không tạp chất, không pha nước...

 

 Bà Trần Thị Lan ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, gắn bó với nghề nuôi bò sữa đến nay đã gần 16 năm. Trung bình mỗi chu kỳ (2 tuần) gia đình bà bán đều đặn 2 tấn sữa cho nhà máy. Tuy nhiên, đến thời điểm 1/1/2016 gia đình bà bị cắt sản lượng 10%, sản lượng sữa dư ra vẫn sẽ được nhà máy thu mua, nhưng chỉ với giá 7.400 đ/kg.

 

 Việc bị nhà máy cắt giảm sản lượng thu mua đã khiến cho gia đình bà Lan bị thiệt hại đủ đường. Trước tình thế khó khăn, bà Lan phải cắt giảm đàn bò sữa từ 50 con xuống chỉ còn 40 con.

 

 Tuy nhiên, việc bán bò sữa không hề đơn giản. Theo bà, trước đây một con bò sữa giống đang mang thai khoảng 6 - 7 tháng có giá lên đến hơn 50 triệu thì nay chỉ còn hơn 30 triệu, bò sữa bán thịt thải loại giảm từ 25 triệu xuống chỉ còn tầm 18 triệu/con. Đối với sản lượng sữa dư ra, bà Lan chạy vạy khắp nơi bỏ mối cho các cửa hàng làm sữa chua.

 

 Tương tự, nhiều hộ chăn nuôi khác tại xã Tân Thạnh Đông cũng phải lựa chọn bán bò, củng cố đàn để vượt qua khó khăn. Theo số liệu thống kê của UBND xã Tân Thạnh Đông, toàn xã có 1.483 hộ đang nuôi 19.766 con bò sữa. Trong đó, đã có 121 hộ phải bán bò, số bò bán ra lên đến 842 con. Thậm chí một số hộ đã bán hết bò, chuyển sang làm công việc khác.  

 

 Phải siết chặt quy trình chăn nuôi

 

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: Toàn huyện hiện có đàn bò sữa 66.704 con, sản lượng sữa thu hoạch đạt 402 tấn/ngày, giảm nhẹ nhưng không đáng kể. Hiện có 3 đơn vị đứng ra thu mua sữa trên địa bàn là Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thu mua 174 tấn/ngày, Cty Friesland Campina Việt Nam (nhãn hiệu Cô gái Hà Lan) thu mua 151 tấn/ngày và HTX bò sữa Tân Thông Hội 30 tấn/ngày.  

 

 Để gỡ khó cho các hộ chăn nuôi bò sữa, trước mắt, huyện vận động bà con tham gia các tổ liên kết; làm việc với các đơn vị thu mua tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tiêu thụ sản phẩm.

 

 Về lâu dài, chủ trương của huyện Củ Chi không tăng đàn bò sữa, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trọng điểm ở 9 xã phía bắc. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân vay vốn ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 13 của UBND thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng hạ tầng chuồng trại.

 

 Đối với các hộ bị cắt hợp đồng thu mua sữa, huyện đã tiến hành thành lập 17 tổ hợp tác với số lượng 113 hộ chăn nuôi, nhằm hướng dẫn, đào tạo lại kỹ thuật về các quy trình chăn nuôi. UBND huyện đã có văn bản gửi công ty Vinamilk xem xét giải quyết thu mua sữa cho họ. Hiện Vinamilk đã thực hiện ký hợp đồng thu mua sữa lại cho 105 hộ dân.

 

 Theo thông tin mới nhận được, từ ngày 19/9, các công ty thu mua sữa trên địa bàn sẽ thu mua toàn bộ 100% sản lượng sữa mỗi ngày của bà con nông dân với giá cạnh tranh, không còn hạn chế sản lượng như trước đây. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách của thành phố, UBND huyện cũng đã có chủ trương chuyển đổi chăn nuôi từ hướng bò sữa sang bò thịt.

 

 THANH SA

 

Nguồn: nongnghiep.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác