Sữa Việt Nam

Đột phá từ giống bò sữa

(VEN) - Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đang chứng kiến những bước đi ấn tượng cả về quy mô đầu tư và áp dụng công nghệ cao... trên phạm vi cả nước. Cùng với những yếu tố này, cơ cấu giống bò sữa được coi là yếu tố sống còn, quyết định quá trình phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sữa của Việt Nam, tiến tới đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước….

 Theo thống kê của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 4/2014, đàn bò sữa cả nước đã đạt trên 200 nghìn con. Về cơ cấu giống, ông Lã Văn Thảo - Phòng Gia súc lớn - Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, đàn bò sữa chủ yếu là giống bò sữa Hà Lan thuần chủng (Holstein Friesian - HF) với khoảng 132 nghìn con, chiếm 66% tổng đàn, phân bố chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Nghệ An, TP.HCM, Sơn La, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Long An, Lâm Đồng.…

 

Với con số này, Cục Chăn nuôi nhận định, đây là kết quả của quá trình lâu dài thực hiện Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển bò sữa Việt Nam giai đoạn 2001-2010, trong đó chú trọng đến việc chọn lọc, nâng cao chất lượng giống bò sữa Việt Nam.

 

Cũng từ chính sách này, một trong những thành tựu quan trọng của công tác giống bò sữa là Việt Nam đã bước đầu tiếp cận được công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo, phôi phân biệt giới tính, cấy truyền phôi và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn bò sữa bằng việc sử dụng các phần mềm quản lý giống bò sữa VDM, VDM-AI.…

 

Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Phúc (nơi hiện có 4.142 con bò sữa), đại diện Sở NN&PTNT cho hay: Ngay từ khi thực hiện chương trình, Vĩnh Phúc đã xác định rõ công tác giống là giải pháp quan trọng, quyết định thành bại trong phát triển chăn nuôi bò sữa. Vì vậy, việc ưu tiên chọn lọc, lai tạo đàn bò sữa đã được thực hiện thông qua chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh. Cùng với công tác điều tra, thống kê; thực hiện bình tuyển, gắn số tai để theo dõi, quản lý đàn bò sữa theo từng năm, Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện tốt công tác cải tạo, lai tạo đàn bò cái nền địa phương với các nhóm bò Zebu, rồi trên cơ sở đàn bò cái Zebu được tạo ra, tiến hành lai với bò ngoại HF thuần chủng để tạo ra các bò lai hướng sữa có từ 50-70% máu bò ngoại HF phục vụ chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa.

 

Nhờ vậy, tại thời điểm hiện nay, với 1 bò sữa có sản lượng sữa trung bình 5.000 kg sữa/chu kỳ (10 tháng) với giá thành 1 kg sữa tươi là 10.388 đồng, mỗi hộ chăn nuôi bò sữa sẽ có lãi bình quân 25-28 triệu đồng/con/năm, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và cung cấp nguồn sữa chất lượng cao cho thị trường.

 

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, đã có thời điểm tỉnh này phải thực hiện kế hoạch giảm đàn bò sữa bằng cách loại thải những con cho năng suất sữa thấp và hiệu quả chăn nuôi kém. Từ năm 2008 đến nay, tuy số lượng đàn bò sữa giảm nhưng chất lượng đã được nâng lên rõ rệt với sản lượng sữa năm 2013 tăng gấp đôi so với năm 2009.

 

Theo Sở NN&PTNT Tuyên Quang, đàn bò sữa của tỉnh đều được nhập về từ Australia. Đây được đánh giá là giống bò sữa có chất lượng đạt tiêu chuẩn giống HF thuần, và toàn bộ số bò giống này đều có đầy đủ hồ sơ lý lịch cá thể do Hiệp hội Giống bò HF của bang Queensland chứng nhận nên rất đảm bảo về chất lượng. Hiện đàn bò sữa HF được phân bổ nuôi tại 3 đơn vị chăn nuôi tập trung với quy mô từ 100-3.000 con theo hình thức công nghiệp gồm: Trang trại bò sữa Tuyên Quang (2.000 con); Công ty TNHH Sữa Tương Lai (800 con) và Công ty TNHH Hoàng Khai (90 con). Tất cả các đơn vị này đều có hệ thống cán bộ quản lý giống được đào tạo cơ bản và có sổ sách ghi chép, theo dõi chặt chẽ tới từng cá thể theo chương trình quản lý giống quốc gia. Với chất lượng giống tốt và đảm bảo quy trình chăn nuôi, đàn bò sữa của Tuyên Quang cho năng suất sữa bình quân khoảng 7.000 lít/chu kỳ, cá biệt có con cho năng suất sữa trên 12.000 lít/chu kỳ.…

 

Từ thực tiễn của các địa phương, Cục Chăn nuôi nhận định, giống bò lai HF được đánh giá là rất thích hợp cho chăn nuôi thâm canh ở nhiều vùng khí hậu ở nước ta. Tuy nhiên, để duy trì ổn định chất lượng giống bò sữa, trong thời gian tới, việc quản lý phải tiếp tục được tăng cường hơn nữa thông qua định dạng cá thể bò sữa bằng số gắn tai, gắn chip điện tử. Cùng với đó, thống nhất hệ thống quản lý giống bò sữa trên phạm vi cả nước, gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo cũng như xây dựng các tiêu chuẩn giám định chọn lọc giống bò sữa, chọn lọc cá thể đối với bò hướng sữa Việt Nam…./.

 

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi: Nhờ chất lượng đàn bò sữa ngày càng được cải thiện nên năng suất sữa tính theo chu kỳ của Việt Nam cũng theo đó tăng lên. Nếu năm 2001 chỉ đạt 3,25 tấn sữa/chu kỳ thì đến năm 2010 đạt 4 tấn/chu kỳ và đến năm 2013 đã đạt 5,60 tấn/chu kỳ. So sánh năng suất sữa với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan 3,20 tấn/chu kỳ, Indonesia 3,10 tấn/chu kỳ… thì có thể thấy năng suất của bò sữa Việt Nam hiện nay cao hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn: ven.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác