Sữa Việt Nam

Bến Tre-Thanh niên Mỹ Hưng khởi nghiệp hiệu quả từ mô hình nuôi bò sữa

Từ 6 con bò sữa ban đầu khi tham gia Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh được triển khai tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú vào tháng 7 năm 2020, đến nay anh Trần Văn Cường, ngụ ấp Thạnh Mỹ đã phát triển đàn bò sữa lên 22 con.

 Anh Trần Văn Cường, sinh năm 1986, được biết đến là gương thanh niên chịu khó, mạnh dạn khởi nghiệp tại địa phương. Hiện tại anh là Bí thư Chi đoàn, đồng thời giữ nhiệm vụ Chi hội Phó Chi hội Nông dân của ấp Thạnh Mỹ.

 

Trước đây, anh Cường chăn nuôi bò vàng, nuôi dê lấy thịt cũng khá thành công. Tuy nhiên, ngay sau khi biết Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre mở rộng sang huyện Thạnh Phú nên anh đã đăng ký tham gia. Anh Cường nhận thấy mô hình nuôi bò sữa có hiệu quả cao hơn, phù hợp với khả năng nên rất hứng thú với mô hình mới này. Với 6 con bò sữa từ dự án hỗ trợ, anh Cường dùng vốn tích lũy từ chăn nuôi bò, dê trước đây đầu tư chuồng trại, thức ăn...

 

Trong quá trình tham gia mô hình, anh Cường được hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bài bản. Dẫu vậy, anh nhận thấy bản thân vẫn cần thêm nhiều kiến thức khác nên tự lên mạng để tìm hiểu, học hỏi thêm. Nhờ vậy, anh có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá áp dụng trong quá trình nuôi bò sữa. 6 con bò sữa ban đầu được anh Cường chăm bẵm nên sinh trưởng, phát triển tốt và nhân đàn thêm 6 con. Cùng với đó, anh nhận chuyển giao từ các hộ nuôi khác do không đủ điều kiện nuôi thêm 10 con nên tổng đàn hiện tại là 22 con, trong số này có 6 con đang cho sữa.

 

Mỗi ngày cứ theo khung giờ cố định lúc 5 giờ sáng và 3 giờ chiều là anh Cường tiến hành khâu thu hoạch sữa. Lượng sữa mỗi ngày anh thu được dao động từ 80 đến 100 lít, có con bò cho sữa lúc cao điểm lên tới 27 lít mỗi ngày. Hiện tại Trạm trung chuyển sữa Vinamilk tại huyện Ba Tri đang tiêu thụ sữa của anh và các thành viên tham gia dự án với giá khoảng 14 ngàn đồng mỗi ký. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng chỉ riêng phần sữa anh đã thu về từ 35 đến 40 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lợi nhuận chừng 20 triệu đồng. Dự kiến sang năm 2022, số bò cho sữa lên đến 14 con, khi đó lợi nhuận của anh sẽ tăng hơn gấp đôi hiện tại.

 

 “So với nuôi bò vàng trước đây thì bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để bò phát triển tốt, cần quan tâm đến dinh dưỡng, vệ sinh thú y và nguồn vốn đầu tư ban đầu, nhất là chuồng trại. Hiện nay, đơn vị Vinamilk thu mua hết lượng sữa mỗi ngày với giá ổn định. Nhờ vậy, đến nay thu nhập của tôi đã dần ổn định, chăm lo tốt cho đời sống gia đình”. – anh Cường chia sẻ.

 

Về nguồn thức ăn, anh Cường tận dụng đất nhà để trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh, anh cho ăn thêm 2 loại thức ăn chính nữa là thức ăn công nghiệp chuyên dành cho bò sữa và rơm ủ phân U-rê. Giờ đây, anh Cường cũng đã đầu tư máy băm cỏ, máy vắt sữa. Do đó, các khâu chăm sóc, lấy sữa tiết kiệm được thời gian, tiền thuê nhân công, mà sản phẩm sữa lại sạch sẽ, bán được giá cao.

 

Quy trình nuôi của anh Cường vừa hiệu quả, vừa đảm bảo môi trường do có nơi xử lý chất thải để giảm ô nhiễm môi trường. Đối với phân bò, anh dùng để nuôi trùng quế để bán cho các điểm chuyên trồng rau sạch hay hoa kiểng trên địa bàn. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập từ mô hình.

 

Dám nghĩ, dám làm nên anh Cường đã đạt được những thành công nhất định trong nghề chăn nuôi bò sữa, góp phần xây dựng hình ảnh thanh niên nông thôn của thời đại mới xung kích, năng động sáng tạo, khát khao vươn lên làm giàu cho gia đình, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Phó Bí thư Xã Đoàn Mỹ Hưng Điều Thành Luân cho biết: “Anh Trần Văn Cường là một thanh niên sản xuất giỏi tại địa phương. Tuy còn trẻ nhưng anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi thông qua mô hình nuôi bò sữa với hiệu quả bước đầu khá thành công. Bên cạnh, anh còn là một Bí thư Chi đoàn rất năng động, nhiệt tình trong công tác Đoàn của địa phương. Đây được xem là gương điển hình cần nhân rộng”.

 

Có thể thấy, mô hình chăn nuôi bò sữa ở Mỹ Hưng đang từng bước khẳng định hiệu quả bền vững cần được nhân rộng, phát triển. Đây sẽ là hướng khởi nghiệp mới, phù hợp với thanh niên nông thôn, đem lại kinh tế giúp cải thiện đời sống. Tuy nhiên, chi phí để đầu tư cho mô hình là không nhỏ, do đó các cấp, ngành và địa phương cần tạo điều kiện cho thanh niên và cả nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nhân rộng mô hình này tại huyện./.

 

Minh Mừng

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác