Sữa Thế giới

Vì sao chính phủ Mỹ tích trữ hơn 600.000 tấn phô mai?

Theo thống kê của chính phủ Mỹ tính đến ngày 31/8 năm nay, các công ty tư nhân Mỹ còn tồn 650.000 tấn phô mai trong kho lạnh. Câu hỏi được đặt ra là tình trạng dư thừa này bắt nguồn từ đâu?

 Sau nhiều thập kỷ Mỹ hỗ trợ ngành công nghiệp sữa bằng cách mua sữa thừa để sản xuất phô mai, năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan đối mặt với nhiệm vụ giải quyết hơn 250.000 tấn phô mai trong các kho chứa rộng lớn dưới lòng đất.

 

Theo tờ Washington Post, tiền lãi và chi phí bảo quản tất cả số phô mai trên tiêu tốn khoảng 1 triệu USD/ngày. Một quan chức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết vào năm 1981: “Chúng tôi đã xem xét phương án giải quyết, song các kênh phân phối đang gặp vấn đề. Phương án có chi phí thấp nhất và thực tế nhất có thể là đổ chúng xuống biển.”

 

Tuy nhiên, trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Reagan cho rằng: “Vào thời điểm các gia đình Mỹ chịu sức ép tài chính ngày càng tăng, chính phủ không thể ngồi nhìn hàng trăm nghìn tấn thực phẩm biến thành rác thải”. Theo đó, Nhà Trắng quyết định trích hơn 13.600 tấn phô mai trong kho để cấp cho các chương trình phúc lợi xã hội và bữa trưa tại trường học thông qua Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm Khẩn cấp Tạm thời.

 

Bất chấp biện pháp trên, lượng tồn kho phô mai vẫn tiếp tục tăng nhanh. Đến năm 1984, các cơ sở lưu trữ của Mỹ đã chứa 544.000 tấn, tương đương khoảng 2,2 kg phô mai cho mỗi người Mỹ.

 

Mỹ tích trữ phô mai từ khi nào?

 

Ông Andrew Novaković, Giáo sư Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Cornell, cho biết giống như nhiều chính sách công của Mỹ, việc thu mua nông sản bắt nguồn từ Chính sách kinh tế Mới (the New Deal), song trên thực tế chính sách này có thể bắt đầu được áp dụng từ sớm hơn. (Chính sách kinh tế Mới là một loạt các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Mỹ thoát khỏi cuộc Đại Suy thoái kinh tế năm 1929-1933, gắn liền với tên tuổi của vị Tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin D. Roosevelt).

 

Vào đầu những năm 1900, sự phát triển của xe lạnh đã cho phép các nông dân chăn nuôi bò sữa bán sản phẩm trên quy mô chưa từng có. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một khoản đầu tư trước đáng kể. Bà Andrea Wiley, tác giả cuốn Re-Imagining Milk, cho biết đứng trước nhu cầu về vốn, ngành công nghiệp sữa bắt đầu quá trình hợp nhất để tạo ra những tập đoàn lớn.

 

Theo bà Wiley, về cơ bản, ngành này muốn mở rộng thị trường và USDA muốn củng cố nền kinh tế nông nghiệp, do đó, họ trở nên rất gắn bó với nhau.

 

Sự hợp tác trên đã giúp lĩnh vực khoa học dinh dưỡng phát triển mạnh mẽ và đưa các sản phẩm từ sữa trở nên thiết yếu cho cả người lớn và trẻ em. Khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, Mỹ gia tăng lo ngại về sự ổn định lâu dài của nguồn cung ứng lương thực. Các nhà lập pháp nước này cho rằng bất kỳ vấn đề khó khăn nào đối với nông dân chăn nuôi bò sữa cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.


Ông Novaković cho biết vào những năm 1940, người Mỹ thực sự lo ngại rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Do đó, chính phủ đã thiết lập chương trình để ổn định giá một số mặt hàng nông nghiệp và khuyến khích sản xuất.

 

Năm 1949, Đạo luật Nông nghiệp cho phép một cơ quan chính phủ mua các sản phẩm từ sữa để ổn định giá cả. Tuy nhiên, không giống như ngô hoặc lúa mỳ, sữa cần được chế biến thành sản phẩm có kết cấu ổn định hơn, như bơ, sữa bột tách béo và phô mai. Kể từ năm 1916, khi ông James Lewis Kraft được cấp bằng sáng chế phô mai, Mỹ đã nắm trong tay công nghệ sản xuất phô mai có hạn sử dụng trong nhiều năm.

 

Kể cả khi nhu cầu sữa giảm sau Thế chiến thứ II, chương trình trên vẫn tiếp tục trong nhiều năm. Trong những năm 1970, tình hình trở nên tồi tệ khi lạm phát tại Mỹ tăng vọt từ 5,5% lên 14%. Trước những khó khăn của nền kinh tế, Tổng thống Jimmy Carter đã hứa sẽ bảo vệ những người chăn nuôi bò sữa.

 

Ông Novaković nói: “Vào cuối những năm 1970, khi giá năng lượng tăng phi mã, tình hình đã trở nên mất kiểm soát. Chương trình để trợ giúp người nông dân đã tạo ra lượng sữa dư thừa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

 

Trong những năm 1980, chính phủ Mỹ đã nỗ lực giảm khối lượng tồn kho phô mai. Tuy nhiên, mức dư thừa vẫn cao.


Cầu giảm, cung vẫn tăng

 

Nhu cầu sữa tại Mỹ đã giảm mạnh 42% kể từ năm 1975, song tình hình này không ngăn được nông dân Mỹ sản xuất ngày càng nhiều hơn. Trong nhiều năm, ngành công nghiệp này đã phải tìm đủ mọi cách để giảm bớt tình trạng dư thừa.

 

Hiện nay, các kho dự trữ phô mai của chính phủ trong những năm 1970 và 80 phần lớn đã là “quá khứ”, nhưng Mỹ vẫn chưa bao giờ thực sự tìm ra cách giải quyết lượng sữa thừa. Năm 2016, các nông dân chăn nuôi bò sữa đã đổ 162,7 triệu lít sữa xuống cống. Cùng năm đó, USDA đã chi 20 triệu USD để thu mua phô mai và giảm tình trạng dư thừa.

 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ tính đến ngày 31/8, các công ty tư nhân Mỹ vẫn còn tồn 650.000 tấn phô mai trong kho lạnh. Giới chuyên gia nhận định tình trạng dư thừa lâu dài này là minh chứng cho sự phát triển không phù hợp của ngành công nghiệp sữa so với nhu cầu thị trường.

 

Trên thực tế, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất ổn định giá nông sản bằng cách thu mua và đưa vào kho dự trữ thực phẩm. Trung Quốc hỗ trợ giá thịt lợn bằng cách mua tích trữ thịt lợn và đưa vào các kho đông lạnh. Canada “nắm trong tay” kho dự trữ siro cây phong chiến lược. Liên minh châu Âu (EU) cũng có một lịch sử lâu dài về việc tích trữ “núi bơ”, “hồ rượu” và “hồ sữa”, với một lượng lớn sữa bột gầy chứa trong các nhà kho ở Đức, Bỉ và Pháp.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác