Sữa Thế giới

Khủng hoảng ngành chăn nuôi bò sữa tại Mỹ

Hàng trăm trang trại phải đóng cửa mỗi năm, nhiều nông dân lâm vào tình cảnh vỡ nợ là tình trạng đang diễn ra đối với nhiều trang trại nuôi bò sữa tại Mỹ.

 Đối với ông David Coon – chủ trang trại Coon Brothers, trang trại bò sữa 65 năm tuổi từng là niềm tự hào của gia đình ông. Cách đây 4 năm khi giá sữa đạt mức kỷ lục, đàn bò 700 con của trang trại đã đem lại cho gia đình ông cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, từ năm 2016, giá sữa bắt đầu lao dốc chỉ bằng ½ thời kỳ đỉnh cao, thu không đủ chi và các khoản nợ tăng cao nên ông David từng nghĩ đến việc tự sát để giải thoát cho chính mình cũng như gia đình.

 

“Tôi cảm thấy áp lực và bế tắc khi giá sữa xuống thấp. Tôi đã nghĩ tự sát là cách duy nhất để cứu trang trại. Nếu tôi chết, vợ con tôi sẽ nhận được 150.000 USD tiền bảo hiểm để trang trải nợ nần”, ông David Coon nói.

 

May mắn là trang trại nhà ông David đã tìm được lối thoát bằng việc chuyển hướng sang sản xuất sữa hữu cơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như gia đình ông David. Chỉ tính riêng tại New York, trong 10 năm qua đã có hơn 80 nông dân nuôi bò sữa tự sát vì vỡ nợ. Tình hình nghiêm trọng đến mức Hội nông dân New York đã phải thiết lập đường dây nóng tư vấn sức khỏe tinh thần cho nông dân nuôi bò sữa.

 

Ông Ed Staehr – Giám đốc Điều hành NY FarmNet nói: “Chúng tôi tư vấn cho những nông dân bị stress, gặp vấn đề tài chính và giúp họ xử lý mâu thuẫn giữa các thế hệ. Số trường hợp gọi điện nhờ chúng tôi tư vấn đã tăng 50% trong năm qua”.

 

 

Vỡ nợ cũng là tình trạng chung của hàng trăm trang trại tại các bang nuôi bò sữa lớn nhất nước Mỹ như California và Wisconsin. Năm 2014, khi giá sữa tăng cao kỷ lục, nhiều nông dân đã mở rộng quy mô đàn bò dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu trong nước suy giảm và thị trường xuất khẩu thu hẹp do chiến tranh thương mại. Phá sản không phải là giải pháp nhưng lại là lựa chọn duy nhất với nhiều nông dân.

 

Đa số các trang trại bò sữa tại Mỹ đều có lịch sử lâu đời, ít vài chục năm, nhiều cũng cả trăm năm. Việc quản lý và điều hành trang trại thường là cha truyền con nối. Do đó, không dễ dàng gì khi họ phải thừa nhận phá sản bởi điều này không chỉ đồng nghĩa với thất nghiệp, mất nhà cửa, đất đai, mà còn đồng nghĩa với việc mất luôn cả di sản và truyền thống gia đình.

 

Tổng hợp: Phú Nguyễn

Nguồn tin: VTV

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác