Stress nhiệt và các giải pháp làm mát cho bò sữa

ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP CỦA NHIỆT ĐỘ ĐỐI VỚI BÒ SỮA ­

1. Điều kiện nhiệt độ thích hợp cho bò sữa:Nhiệt độ không khí từ 10-20o C, ẩm độ tương đối từ 55-65%, tốc độ gió trung bình khoảng 5-7 km/h và mức độ ánh sáng mặt trời trung bình được xem là điều kiện khí hậu, thời tiết lý tưởng cho sự tăng trưởng và sản xuất của bò. Khi nhiệt độ không khí tăng cao hơn 27oC, hiệu quả sinh học trong các hoạt động của bò sữa đều giảm xuống.

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết của vùng nhiệt đới như Việt Nam, thường thì nhiệt độ không khí vượt mức 25o C và ẩm độ tương đối vượt mức 80% là tác nhân bất lợi, gây nhiều tác động xấu đến khả năng sản xuất của bò sữa.

Tính thích nghi và giống

Các giống bò nhóm Zêbu- Bos indicus (Sindhy, Sahiwal) sống trong môi trường khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ cao nên đã có những biến đổi về mặt cơ thể như tăng diện tích da (phát triển u, yếm) để thích nghi với nhiệt độ môi trường cao. Trong khi các giống bò Bos Taurus (ví dụ như Holstein Friesian) vốn sống trong điều kiện môi trường khí hậu ôn đới, đã có những biến đổi cơ thể như phát triển hệ thống lông, giảm diện tích bề mặt cơ thể (không u, yếm) để giảm sự thoát nhiệt, thích nghi với môi trường nhiệt độ thấp. Vì vậy khi các giống bò ôn đới, được nuôi trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao không thể hiện được các tính năng sản xuất cao của mình. Hiện nay, đã có nhiều tiến bộ trong việc chọn lọc những giống bò thích nghi với điều kiện nhiệt độ cao, nhưng để có một giống bò Holstein Friesian cao sản, thích nghi tốt cần phải có những biện pháp chăm sóc, chuồng trại, chăm sóc thú y phù hợp để khai thác hết tiềm năng sản xuất của con giống.   

2. ảnh hưởng của môi trường nhiệt độ cao đối với tập tính của bò sữa

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bò có khuynh hướng giảm những hoạt động cơ thể để hạn chế quá trình sản sinh nhiệt. Bò dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Bò giảm ăn, uống nhiều nước, giảm thời gian gặm cỏ. Khi được chăn thả, bò có khuynh hướng vào các khu vực có bóng mát, giảm thời gian gặm cỏ vì thế giảm lượng thức ăn ăn vào... Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy bò có biểu hiện giảm những hoạt động tính dục như không nhảy chồm lên bò khác hoặc ít kêu rống, di chuyển (một phần còn do tác động của việc giảm tiết hormon và hàm lượng hormon trong máu thấp).  

3. ảnh hưởng của môi trường nhiệt độ cao đối với hoạt động sinh lý của bò sữa

Bò là loài động vật máu nóng và có thân nhiệt ổn định, chỉ biến động trong giới hạn nhỏ (từ 38-39,3oC, trung bình là 38,4oC). Khi nhiệt độ môi trường tăng, quá trình thải nhiệt sẽ gia tăng duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể. Thải nhiệt sẽ thông qua 2 biện pháp gia tăng tiết mồ hôi và tăng cường nhịp thở. Lượng máu sẽ được tăng cường đưa đến các vùng ngọai vi (như da) để cung cấp năng lượng cho hoạt động của các tuyến mồ hôi. Thể tích máu cơ thể cần phải tăng lên, nước được điều động từ các phần khác của cơ thể song song với việc tăng cường lượng nước uống vào. Việc gia tăng lượng máu của cơ thể sẽ dẫn đến hiện tượng giảm nồng độ hormon trong máu đến các cơ quan và do máu ưu tiên đến các vùng da nên giảm lượng máu đưa chất dinh dưỡng đến nuôi các bộ phận khác của cơ thể, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát dục của bò (bò chậm lớn và sinh sản kém) và ảnh hưởng đến sức sản xuất sữa của bò.

ở bò sữa, việc thải tiết mồ hôi là biện pháp chính để thải nhiệt. Quá trình này bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, ẩm độ của không khí, lượng gió lưu chuyển và diện tích bề mặt cơ thể (da). Khi nhiệt độ môi trường cao, ẩm độ không khí cao, tốc độ gió thấp sẽ làm hạn chế quá trình bốc hơi trên bề mặt da, từ đó làm giảm hiệu quả thoát nhiệt. Giảm ẩm độ, tăng cường sự luân chuyền không khí (tăng tốc độ gió sẽ giúp quá trình thải nhiệt tốt hơn.

Nhóm bò nhiệt đới thường có bộ lông rậm và ngắn hơn so với bò vùng ôn đới. Bộ lông rậm giúp cho bò vùng nhiệt đới chống lại ve mòng và lông ngắn giúp cho việc làm mát cơ thể bò.  

4. ảnh hưởng của môi trường nhiệt độ cao đến khả năng ăn thu nhận và tiêu hoá thức ăn

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, độ ngon miệng giảm, lượng thức ăn ăn vào giảm, sự nhai lại và quá trình lên men của dạ cỏ cũng giảm. Bò sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng cho các quá trình duy trì và sản xuất của bò sữa. Nhìn chung, bò nuôi trong điều kiện khí hậu nhiệt độ cao (nhiệt đới) có lượng thức ăn ăn vào, mức tăng trọng, năng suất sữa và tỷ lệ mỡ sữa thấp hơn so với nhóm bò nuôi ở vùng ôn đới.

Nước là một thành phần quan trọng của cơ thể (chiếm 70% trọng lượng cơ thể) và là một chất dinh dưỡng quan trọng. Bên cạnh vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng (tham gia thành phần của máu, huyết thanh...), dung dịch đệm..., nước còn có vai trò quan trọng trong việc thải nhiệt (tham gia quá trình bài tiết mồ hôi, hô hấp). Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bò sẽ có khuynh hướng uống nhiều nước để bù đắp cho lượng nước cơ thể thải ra để giảm nhiệt (tiết mồ hôi). Tuy nhiên đến một ngưỡng nhiệt độ nhất định (bò Holstein Friesian thì nhiệt độ này là 29,4o C) thì bò có khuynh hướng giảm lượng nước uống vào do bắt đầu có những phản ứng sinh lý nhằm hạn chế các hoạt động của cơ thể. Khi nhiệt độ môi trường cao, ẩm độ cao, bò cũng giảm lượng nước uống vào. Khi bò uống nhiều nước sẽ dẫn đến những hậu quả xấu như nồng độ hormon trong máu giảm (ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý của cơ thể bò trong đó có quá trình sinh sản), giảm lượng thức ăn ăn vào (do độ choán của nước và do bò giành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, uống nước, thở hơn là ăn), thiếu hụt chất dinh dưỡng, mất cân bằng khoáng (lượng lớn các chất khoáng thải ra trong quá trình bài tiết mồ hôi). 

5. Tăng trưởng

Theo thí nghiệm của Hancock và Payne (1955), nghiên cứu bò sinh đôi từ lúc 7,5 tháng tuổi đến hết chu kỳ cho sữa thứ nhất, thì nhóm bò nuôi ở vùng khí hậu ôn đới có mức tăng trọng cao hơn 9,6%. Trong điều kiện nhiệt đới, nuôi dưỡng kém thì nhóm bò Holstein Friesian thuần bị ảnh hưởng nhiều hơn bò lai và bò nhiệt đới (nhóm bò Bos. Indicus).

Người ta nhận thấy khi bò cái đã mang thai nhập từ các nước ôn đới vào khu vực nhiệt đới, thì trọng lượng bê sinh ra thường thấp hơn 17-20% so với bê sinh ra tại chính quốc (do stress vận chuyển, thay đổi thức ăn và do tác động của nhiệt độ cao).  

6. Sản xuất sữa

Theo thí nghiệm Johnson H.D (1985), thành phần của sữa (béo, đạm và các chất rắn khác) đều giảm trong điều kiện nhiệt độ cao. Theo thí nghiệm bò sinh đôi của Hancock và Payne như đã nói ở trên, sản lượng sữa của bò nuôi ở vùng khí hậu ôn đới cao hơn 44% và sản lượng béo cao hơn 56% so với bò nuôi ở vùng nhiệt đới. Khi nhiệt độ môi trường tăng đến 29oC, tỷ lệ chất béo trong sữa bắt đầu giảm, sau đó tỷ lệ béo tăng (do sản lượng sữa giảm nhanh). Nhiệt độ cao còn ảnh hưởng đến độ bền cho sữa của các nhóm bò cao sản nhiệt đới.

Nhiệt độ lý tưởng cho bò sữa cao sản (nhóm giống bò Bos.Taurus) là 10oC. ở giống bò Jersey, Holstein, sản lượng sữa giảm khi nhiệt độ tăng 21-27oC, trong khi đó ở giống bò Brown Swiss (Nâu Thụy Sĩ) là 29-32oC. Nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện ôn đới, bò sử dụng khoảng 50% năng lượng thức ăn để duy trì hoạt động cơ thể, phần còn lại dùng để nuôi thai và sản xuất sữa. Trong khi ở điều kiện nhiệt đới, bò sử dụng 65% năng lượng từ thức ăn để duy trì hoạt động của cơ thể, chỉ có 35% năng lượng dùng để nuôi thai và sản xuất sữa. 

7. Sinh sản

Nhiệt độ môi trường cao có những tác động xấu đến sinh sản của bò như chu kỳ động dục và thời gian động dục bất thường, rối loạn hormon sinh sản, phát triển bất thường ở buồng trứng, tỷ lệ chết của phôi, thai tăng, kéo dài thời gian mang thai... Khi ẩm độ không khí càng cao thì những tác động này càng cao. Nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ môi trường tăng cao, nếu không được thoát nhiệt tốt, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao ảnh hưởng đến khả năng sống của phôi thai. Nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ cơ thể tăng 1,1-1,7oC thì các phôi định vị trong tử cung sẽ chết hoàn toàn.

II. NHỮNG ẢNH HƯỞNG GIÁN TIẾP CỦA NHIỆT ĐỘ ĐỐI VỚI BÒ SỮA 

1. ảnh hưởng trên chất lượng thức ăn

Những ảnh hưởng của điều kiện nhiệt độ môi trường cao trên chất lượng thức ăn đặc biệt là thức ăn thô xanh đã được nhiều tác giả nghiện cứu. Thực vật vùng nhiệt đới có khả năng quang hợp tốt hơn và có khuynh hướng phát triển về khối lượng, nhưng giá trị dinh dưỡng thấp hơn so với nhóm thực vật ôn đới. Ngay cả một số thực vật nguồn gốc nhiệt đới (như bắp, cao lương), được trồng ở điều kiện ôn đới thì cũng có chất lượng tốt hơn, giàu chất dinh dưỡng hơn. Độ tiêu hóa của bắp và cao lương trồng ở vùng nhiệt đới thường thấp hơn 3-5 đơn vị so với trồng ở vùng ôn đới. Thực vật vùng ôn đới, thường có mùa đông lạnh giá, nên có khuynh hướng tích trữ dưỡng chất. Mặt khác, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, để chống lại sự mất nước, chống lại sự tấn công của côn trùng, sâu hại, thực vật vùng nhiệt đới có khuynh hướng phát triển lớp tế bào vách bao bọc bên ngoài, từ đó dẫn đến trường hợp tỉ lệ Lignin (gỗ, tỷ lệ tiêu hóa thấp) tăng cao.

Do những đặc điểm trên, cỏ ở vùng ôn đới thường có tỉ lệ tiêu hóa cao hơn cỏ vùng nhiệt đới: cỏ ở lứa tuổi 45 ngày tuổi, tỉ lệ tiêu hóa của cỏ trồng vùng ôn đới là 69%, trong khi cỏ trồng vùng nhiệt đới là 58%. Tỷ lệ đạm thô trong cỏ trồng vùng nhiệt đới thường chỉ đạt 2-5%, trong khi đó cỏ trồng ở vùng ôn đới có thể đạt mức 8-15%, đặc biệt có những loại cỏ có tỉ lệ đạm thô lên đến 28% (cỏ Alfalfa). 

2. ảnh hưởng trên các tác nhân gây bệnh

Điều kiện khí hậu nhiệt đới, ẩm thường thích hợp cho sự phát triển của các sinh vật gây bệnh như ve mòng, vi khuẩn và đặc biệt là các ký sinh trùng và vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc kém, khẩu phần thiếu hụt nhất là thiếu protein (đạm) nên sức đề kháng kém, bò dễ bị bệnh.

Trong thực tế, người chăn nuôi có thể dễ dàng nhận thấy được những rối loạn do tác động gián tiếp của nhiệt độ cao trên bò sữa như thở nhiều, thở nhanh, tăng tiết mồ hôi, kém ăn, uống nước nhiều, sản lượng sữa giả... Người chăn nuôi có thể thay đổi và kiểm soát những tác động này, từ đó hạn chế những tác động này bằng việc xây dựng chuồng trại phù hợp, phối hợp khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng...Tuy nhiên, đối với những rối loạn do tác động gián tiếp của nhiệt độ môi trường cao, thường khó nhận thấy hơn và phương pháp để hạn chế những tác động gián tiếp bao giờ cũng khó khăn hơn và chi phí thường cao. 

Nguồn: cucchannuoi.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác