Quan hệ ngành sữa việt nam với thế giới

Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì 50 năm xây dựng và trưởng thành

Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Viện Chăn nuôi, được thành lập từ Nông trường Ba Vì theo Quyết định số: 47-NN-TCCB/QĐ ngày 17 tháng 02 năm 1989 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã từng bước xắp xếp lại bộ máy, cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt và đồng cỏ.

Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành từ Nông trường Ba Vì, 20 năm đổi mới cơ chế quản lý, Nông trường Ba Vì nay là Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã gắn liền lịch sử của mình với sự nghiệp phát triển nghề chăn nuôi Bò sữa tại Ba Vì. Từ một Nông trường quốc doanh với tên tuổi anh hùng Hồ Giáo và dòng sữa trắng Ba Vì đã ghi vào lời ca, tiếng hát in đậm dấu ấn một thời, đến tổ chức khoa học công nghệ công lập thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu những lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt và đồng cỏ là cả một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, là sự đóng góp tinh thần và nghị lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức ở các thời kỳ trong chặng đường dài ấy.

Tháng 5 năm 1958 trung đoàn 658 thuộc sư đoàn 330 miền Tây Nam Bộ (Bộ đội miền nam tập kết ra miền Bắc) được lệnh về đóng quân dọc đường 84 từ Hòa lạc đến ngã ba đường 87, từ ngã ba theo đường 87 đến cầu suối Me. Trung đoàn tiếp quản đơn vị sản xuất Đồn Vàng thuộc cục Nông binh, thực hiện nhiệm vụ khai khẩn đất hoang sản xuất và xây dựng doanh trại, từ đây Nông trường quân đội được thành lập. Ngày 22 tháng 12 năm 1960 Trung đoàn 658 làm lễ phong quân hàm cho cán bộ và chiến sỹ, đồng thời cũng làm lễ hạ sao để chuyển ngành tập thể thành Nông trường Ba Vì. Nơi đây dưới chân núi Tản Viên Sơn có dòng sông Đà thơ mộng, xưa kia rừng thiêng nước độc đã thấm đượm bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của các chiến sỹ, cán bộ, công nhân viên khai phá đồi hoang, cải tạo sình lầy biến vùng đất hoang sơ trở thành màu mỡ để sản xuất trồng trọt, chăn nuôi bò vắt sữa, ngày nay đó là vùng du lịch trù phú sản xuất ra dòng sữa trắng “Sữa Ba Vì” .

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành Nông trường Ba Vì đã tiếp nhận Nông trường Quyết Tiến, sáp nhập nông trường 27/7, tiếp nhận Trạm Nghiên cứu Đồng cỏ để thực hiện những  nhiệm vụ được giao. Cũng trong tiến trình ấy Nông trường đã giao đất để xây dựng sân bay Hòa Lạc,  giao đất đắp đập Đồng mô-Ngải Sơn, giao đất xây dựng trường bắn quốc gia, giao đất thành lập trại Điều dưỡng, giao đất xây dựng Trại gà giống, giao đất xây dựng Trung tâm Moncada, giao đất xây dựng Trại thỏ giống Sơn Tây, giao đất thành lập Nông trường Việt Mông,  giao đất thành lập Công ty Sơn Thái… Đến nay Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đang quản lý và sử dụng 761,8 Ha phục vụ cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt, đồng cỏ và đảm bảo đời sống cho nhân dân trong Trung tâm.

Với mong muốn gìn giữ những giá trị lịch sử, bày tỏ lòng tri ân đối với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức ở các thời kỳ đã đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Nông trường Ba Vì, Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ngày nay, chúng tôi biên soạn ấn phẩm này. Chúng tôi hy vọng rằng các thế hệ tiếp sau sẽ phát huy truyền thống trong năm mươi năm qua, tiếp tục phấn đấu phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, góp phần xây dựng đất nước.

Ban biên soạn xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, cán bộ ở các thời kỳ đã cung cấp những tư liệu quý báu, đóng góp ý kiến xác đáng để ban biên soạn hoàn thành ấn phẩm này.

Do điều kiện thất lạc nhiều tài liệu, còn hạn chế trong quá trình biên soạn, ấn phẩm phản ánh lịch sử các thời kỳ chưa được đầy đủ và còn nhiều thiếu sót. Ban biên soạn luôn cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đọc giả.

ThS. Lê Xuân Đông

Nguồn:
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác