Kinh tế - Thị trường

Thủ tướng yêu cầu ban hành danh mục sữa trước 5/10

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá.
"Hiện tượng này rõ ràng là việc quản lý không tốt và phải đề ra biện pháp", Bộ trưởng cho hay. 
 
Tại điều 15 khoản 2 mục H của Luật giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Nhưng, các Thông tư của Bộ Y tế chỉ quy định các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống, tức là đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lách luật. 
 
Bộ trưởng Đam quả quyết, "lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay một danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị “làm giá”. Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc", Bộ trưởng nói.
 
Ông Đam cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có tấm lòng, làm giàu chính đáng. "Chúng ta đang nói tới câu chuyện doanh nghiệp lãi thật, lỗ giả để trốn thuế, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giá, trục lợi. Đối với những doanh nghiệp làm trái pháp luật chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xử lý theo đúng quy định".
 
Trước tình hình sữa đổi tên thành thức ăn công thức, sản phẩm dinh dưỡng... không thuộc danh mục mặt hàng thuộc diện bình ổn giá của nhà nước. Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có công văn 7607 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải báo cáo về việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao trước ngày 15/9.
 
Văn phòng Chính phủ cho biết, Chương trình Thời sự tối ngày 8/9/2013 của VTV1 có phóng sự phản ánh việc Bộ Y tế đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung. Từ đó các sản phẩm sữa được loại khỏi danh mục hàng hóa cần phải quản lý giá và làm cho giá sữa tăng cao.
 
Theo phản ánh của VTV, một bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu, từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.00- 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000-900.000 đồng, gấp 5-9 lần giá nhập khẩu.
 
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ chưa vào cuộc thanh tra về giá sữa do các sản phẩm này hiện không thuộc diện kiểm soát giá của Cục.
 
Trong văn bản của các hãng sữa ngoại gửi Cục Quản lý giá, không có sản phẩm nào là sữa mà đa phần là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng. Chỉ với một động tác thay tên đổi họ đơn giản, những sản phẩm mà mọi người đều biết đến là “sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” đã nghiễm nhiên ra khỏi danh sách bình ổn giá.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: "Nếu sắp xếp quy chuẩn về chất lượng và tên gọi thay đổi sẽ rất khó cho cơ quan quản lý giá thực hiện việc bình ổn giá đối với những sản phẩm trước đây là sữa và nay thành sản phẩm dinh dưỡng".
 
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải báo cáo về vấn đề này trước ngày 15/9 để xem xét, xử lý. Tuy nhiên, tại báo cáo của mình, Bộ Y tế đã chuyền bóng sang bộ Tài chính về chuyện giá sữa điều chỉnh theo luật giá còn Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì quản lý giá sữa.
 
Cụ thể, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để quy định các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) thuộc diện kê khai giá.
 
Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.
 
Lý giải về việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao, Bộ Tài chính khẳng định đó là do “Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng và theo quy chuẩn này, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính đến nay đã được Bộ Y tế quy định tên mới là: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...
 
Lam Lam
Nguồn: baodatviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác