Kinh tế - Thị trường

Thu hút DN đầu tư vào NN: Cần chính sách đột phá về đất đai

Đầu tư vào nông nghiệp chỉ cần vài tháng là có lời, trong khi bất động sản, thủy điện mất nhiều năm mới thu hồi vốn... Chừng đó thuận lợi đủ để hấp dẫn nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Trung Nguyên, TH True milk và thu hút cả các DN trong lĩnh vực bất động sản, nội thất, sản xuất sắt thép... chuyển hướng trồng mía, tỏi, sản xuất lúa gạo, nuôi bò sữa..., biến nông nghiệp trở thành kênh đầu tư quan trọng.

 

  Chuyển hướng đầu tư

  Hiện chỉ có khoảng 1-2% DN Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp, nếu tỷ lệ này tăng gấp 10 lần, lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn sẽ có chuyển biến đáng kể. Chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, nhiều DN có chiến lược kinh doanh bền vững, xác định đầu tư theo mô hình công nghệ cao. Nhưng lĩnh vực này mới chỉ thu hút những DN có tài chính mạnh và quỹ đất lớn.

  Phân tích hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, khẳng định: “Làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao phải áp dụng công nghệ cao, cơ giới toàn bộ. Cụ thể, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao ngay cả trước khi xuống giống cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Với việc cơ giới hóa toàn bộ, chi phí giá thành giảm xuống mức thấp nhất. Chẳng hạn, chi phí chặt mía của chúng tôi chỉ 30.000 đồng/tấn so với 200.000 đồng/tấn tại các DN khác”.

  Tương tự, nhờ áp dụng công nghệ cao, dự án TH True milk tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã biến vùng đất hoang hóa thành vùng nguyên liệu trù phú, tăng hiệu quả kinh tế của một đơn vị diện tích đất lên gấp nhiều lần nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại vào các loại cây trồng, nâng cao đời sống cho nông dân, đem lại việc làm cho hàng nghìn hộ, đặc biệt là những người sau khi đào tạo đã trở thành công nhân trong nhà máy ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều người ví von: “Trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN Việt như “Thánh Gióng” đã sẵn sàng vươn vai đứng dậy nhưng còn thiếu cây gậy và chú ngựa sắt, đó là thiếu chính sách đột phá, đặc biệt là về tín dụng và cơ chế đất đai”.

  Gặp khó về vốn và đất đai

  Theo ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia tư vấn thương hiệu và đầu tư nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn. Đó là chưa nói đến hàng loạt các rào cản khác như chính sách thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, chưa có mức lãi suất ưu đãi cho DN, dịch vụ phụ trợ cũng như vấn đề con người trong những lĩnh vực này còn thiếu và yếu, cơ chế hoạt động còn manh mún và thiếu tầm nhìn dài hạn... Tuy nhiên, điều các DN cho là nan giải nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là quỹ đất. Do chính sách ruộng đất hiện nay, việc tìm ra khu đất có diện tích lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là rất khó.

  Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công, cho biết: “Tại Việt Nam, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa, nên từ 3 năm trước, Tập đoàn chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng (Campuchia) phát triển hơn 5.000ha mía nguyên liệu”. Thực tế lâu nay, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta quá manh mún là nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả của sản xuất: nông dân phải đầu tư nhiều thời gian và công lao động hơn cho nông nghiệp; phải canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau do tính chất và địa hình của các thửa đất không giống nhau; sản phẩm thu hoạch mỗi thửa một khác, không đồng nhất về chất lượng... Chính cánh đồng bị chia nhỏ như ô bàn cờ, đặc biệt là ở miền Bắc, đang là rào cản khiến việc áp dụng máy móc và công nghệ hiện đại trở nên không khả thi và cũng không cần thiết. Nếu nhìn ra các nước, có thể nhận thấy, việc phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đều phải có điều kiện tiên quyết là tích tụ ruộng đất quy mô lớn và tập trung.

  Từng vấp phải khó khăn về đất khi xây dựng trang trại cho dự án sản xuất sữa tươi sạch TH True milk, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, để xây dựng thành công mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc tích tụ ruộng đất là một trong những yếu tố then chốt. Không thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao nếu quy mô tủn mủn, ruộng đất không đủ. Ít nhất phải tự chủ được 60% như TH, 40% kết hợp cùng nông dân.

  Không chỉ có DN, từ góc độ chuyên gia tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), chia sẻ: “Một trong những cản trở đối với phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam là đất đai. Đáng lẽ quỹ đất ở nông thôn phải thuận lợi hơn thành phố. Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch”.

  Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam từng bước phát triển và đạt được những kết quả to lớn. Đặc biệt, chính sách tam nông và Luật Đất đai đã bắt đầu mở đường cho việc tích tụ ruộng đất làm nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. TS Đặng Kim Sơn đưa ra ba giải pháp: “Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai, cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông - lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý... Thứ ba, giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho DN đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp”.

  Bà Thái Hương đề xuất: Nên chuyển đất của các nông - lâm trường, của các tổng đội thanh niên xung phong và các công ty đã được cấp rồi nhưng hoạt động không hiệu quả sang cho các DN có đủ tâm -trí-lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững. Bên cạnh đó, khi có chủ trương, có chính sách, giai đoạn đầu, hãy để Nhà nước hỗ trợ và doanh nhân làm. Người nông dân đứng ngoài để nhận ra sự thay đổi. Giai đoạn tiếp theo, hãy kéo bà con vào qua việc lập các công ty nguyên liệu khi họ đã nhận ra hiệu quả của những thay đổi. Bởi vì thuyết phục và gắn kết ngay các hộ sản xuất manh mún, đất đai phân tán và trình độ sản xuất còn thấp là rất khó.

  Hợp tác cùng phát triển

  Để các dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, ít rủi ro, một số DN đã tìm hướng hợp tác. Đơn cử, khi nhận thấy tiềm năng của củ tỏi có thể lên men làm thực phẩm chức năng, giá xuất khẩu cao, Công ty CP Chi Lai, chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất, đã chuyển hướng đầu tư trồng tỏi theo mô hình công nghệ cao để cung ứng nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đã hợp tác với HAGL để đầu tư chăn nuôi bò sữa, bò thịt, xây dựng nhà máy chế biến với tổng vốn đầu tư 11.300 tỷ đồng. Trong đó, HAGL đầu tư 6.300 tỷ đồng nuôi bò sữa và bò thịt với 236.000 con. Bên cạnh đó, HAGL sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt bò với công suất 78.000 tấn/năm. Phía NutiFood đầu tư 5.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sữa với công suất 500 triệu lít sữa tươi/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ nằm tại KCN Trà Da, trên diện tích 7ha, cách trang trại bò sữa HAGL khoảng 40km.

  Mỗi năm Vissan nhập gần 100.000 con bò từ Australia, nên việc Vissan và HAGL hợp tác sẽ giúp dự án bò sữa HAGL có đầu ra ổn định với số lượng lớn, riêng bò sữa đã có NutiFood đảm nhận bao tiêu sản phẩm. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood, cho biết: “Lợi thế để NutiFood quyết định hợp tác với HAGL trong mảng nông nghiệp là do Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa với mục tiêu năm 2015 cả nước tiêu thụ sữa đạt trung bình 21 lít/người/năm và tới năm 2020 đạt bình quân 27 lít/người/năm. Với tiềm năng như vậy nhưng hiện nay, ngành sữa của nước ta chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Tính đến năm 2013, quy mô đàn bò sữa của Việt Nam mới đạt 184 nghìn con, đáp ứng được khoảng 30% nguồn sữa tươi nguyên liệu”.

  Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư cho nông nghiệp, nhưng muốn thu hút được nguồn lực, thiết nghĩ chính sách về vốn, đất đai cần phải có sự đột phá hơn nữa.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác