Kinh tế - Thị trường

Sữa Mộc Châu tính chuyện lên sàn chứng khoán

Mộc Châu Milk tiếp tục có một loạt thay đổi mới sau khi "về một nhà" với Vinamilk, từ tăng vốn, tăng đầu tư cho tới mục tiêu lên sàn chứng khoán.

 Theo tờ trình xin ý kiến cổ đông, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) dự kiến niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên Sàn chứng khoán TP HCM (HoSE). Việc thực hiện trong không quá 9 tháng kể từ khi được Đại hội đồng cổ đông đồng ý.

 

Đồng thời, công ty cũng dự kiến tăng vốn thêm 432 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 3,3 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chào bán hơn 39 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên. Mục đích của việc phát hành nhằm huy động vốn tài trợ cho các dự án đầu tư.

 

Với nhà đầu tư chiến lược, ngoài năng lực tài chính và quản trị, Sữa Mộc Châu yêu cầu cổ đông này phải có kinh nghiệm trong việc điều hành ngành sữa. Nhà đầu tư phải có ít nhất một nhân sự tham gia hội đồng quản trị công ty và nhân sự này có kinh nghiệm trong ngành ít nhất 5 năm. Theo những tiêu chí này, hai nhà đầu tư được chọn là Vinamilk và GTN Foods. Trong đó, Vinamilk là cổ đông lớn chi phối 75% GTN Foods, còn GTN Foods là công ty mẹ của Sữa Mộc Châu.

 

Nguồn tiền thu được dự kiến đầu tư trang trại bò sữa quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái, nâng cấp trang trại hiện hữu lên 2.000 con và đầu tư cho dây chuyền sản xuất sữa nước, xây nhà máy mới.

 

Ngoài các nội dung trên, Hội đồng quản trị Mộc Châu Milk cũng đề xuất loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh không cốt lõi nhằm nới "room" sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100%.

 

Những nội dung này là bước đi tiếp theo, nối tiếp một loạt thay đổi của Mộc Châu Milk và GTN Foods sau khi "về một nhà" với Vinamilk.

 

Cuối năm 2019, Vinamilk đã sở hữu 75% vốn của GTN Foods, công ty mẹ của Mộc Châu Milk. Hai tháng sau thương vụ này, bà Mai Kiều Liên trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của GTN Foods và các công ty thành viên.

 

CEO Vinamilk cho biết hiệu quả của thương vụ này là giá trị cộng hưởng giữa Sữa Mộc Châu và Vinamilk được tạo ra từ lợi thế của mỗi bên. Sữa Mộc Châu chưa tìm được đường vào thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong khi Vinamilk có sẵn tiềm lực từ hệ thống phân phối có thể giúp làm được điều này. Ngược lại, Vinamilk có thể mở rộng tới những thị trường Tây Bắc nhờ sự hỗ trợ của Mocchaumilk.

 

Bà Liên cũng khẳng định Vinamilk sẽ không xóa bỏ thương hiệu Sữa Mộc Châu. Hai công ty sẽ hoạt động song song, nhưng sẽ kết hợp những thế mạnh của nhau. Trong đó, Vinamilk sẽ hỗ trợ Sữa Mộc Châu về quản trị, làm lại thương hiệu, thay đổi bộ nhận diện mới.


Minh Sơn

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác