Kinh tế - Thị trường

Sẽ kiểm tra cơ cấu giá sữa

Phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Xuân Chiến cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý chặt tình trạng tăng giá sữa, bộ này cùng Bộ Tài chính sẽ phối hợp kiểm tra cơ cấu giá sữa xem giá mà các doanh nghiệp kê khai có phù hợp với giá thành, nếu phát hiện bất hợp lý thì sẽ yêu cầu điều chỉnh.

 

Ông Chiến cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30-9 khi được phóng viên hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc để tình trạng loạn giá sữa thời gian qua.

Theo ông Chiến, từ đầu năm đến nay giá sữa ngoại tăng cao, có doanh nghiệp tăng giá đến 15% song các cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp. "Nguyên nhân chủ yếu là tên gọi sữa và sản phẩm từ sữa thuộc danh mục bình ổn đã thay đổi, thay bằng các tên gọi khác như thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Chính tên gọi này nên (các sản phẩm từ sữa) đã không thuộc điều chỉnh của Luật Giá và do đó không phải kê khai giá”, ông Chiến nói.

Vì vậy, ông Chiến cho rằng, sau ngày 5-10, khi Bộ Y tế hoàn tất việc ban hành danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ thì các sản phầm này sẽ được đưa vào danh mục quản lý giá theo quy định của Luật Giá.

“Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh sữa phải kê khai giá với cơ quan quản lý.  Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính kiểm tra cơ cấu giá xem doanh nghiệp kê khai giá có phù hợp không, nếu không phù hợp với giá thành sẽ yêu cầu điều chỉnh. Bộ Công Thương cũng có lực lượng quản lý thị trường, sẽ kiểm tra và xử phạt nếu doanh nghiệp vi phạm kê khai giá”, ông Chiến nhấn mạnh.

Trước đó một ngày, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các sản phẩm từ sữa vì không thể để các sản phẩm sữa cho trẻ em bị làm giá.

Trước khi có chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, hai bộ Y tế và Tài chính có ý đỗ lỗi cho nhau trong việc để xảy ra tình trạng loạn giá sữa. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định sau khi Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng từ sữa thì theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, theo quy định quy chuẩn thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức. Do đó, các sản phẩm này đã thoát khỏi sự quản lý giá của bộ theo quy định của Luật Giá.

Trong khi đó, Bộ Y tế lại lập luận rằng, việc ban hành quy chuẩn này không gây hiểu lầm hay làm tăng giá sản phẩm.

Đưa sản phẩm dinh dưỡng vào danh mục bình ổn giá

Bộ Y tế đang dự thảo một thông tư quy định rõ sản phẩm sữa thuộc danh mục hàng bình ổn giá trong Luật Giá gồm cả sản phẩm dinh dưỡng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo thông tư đăng tải trên website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thì các sản phẩm chịu tác động của Luật Giá sẽ bao gồm sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi và sữa, sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Hiện tại, điều 15, Luật Giá (có hiệu lực từ 1-1-2013) quy định chỉ có mặt hàng “sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi” cùng với xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; muối ăn; đường ăn, thóc, gạo tẻ… thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.

Theo thông tin đăng tải, dự thảo thông tư vừa được công bố ngày 29-9 và Bộ Y tế mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, gửi về trước ngày 5-10.

Sở dĩ Bộ Y tế phải gấp rút xây dựng dự thảo thông tư quy định danh mục sản phẩm sữa thuộc diện bình ổn giá, điều chỉnh so với trước đây là do vừa qua, bộ này đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa bột. Dựa vào quy chuẩn này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa đã đồng loạt đổi tên sản phẩm thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức... nên không thuộc danh mục bình ổn giá của Luật Giá và Bộ Tài chính, do đó không thể can thiệp vào các đợt tăng, giảm giá của sản phẩm này.

Thực tế này khiến doanh nghiệp sữa đã thoải mái điều chỉnh giá trong thời gian qua, tác động lớn đến người tiêu dùng.

Minh Tâm

 

 

Nguồn: thesaigontimes.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác