Kinh tế - Thị trường

Giá sữa tăng như thế nào trong 1 năm qua?

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã tăng so với trước đó nhưng không nhiều người tiêu dùng nắm được.

 Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018, nhiều loại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã tăng giá.

 

Ngày 15-3-2018, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó với 26 loại sữa, trong đó đa số là các loại sữa được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như: Frisolac Gold 1, Frisolac Gold 2, Frisolac Gold 3…

 

Tiếp đó, từ ngày 1-5, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong phạm vi 5% với một số sản phẩm như: Nan optipro HA 2 800g; Nan optipro HA 3 800 g…

 

Trong khi đó, từ 10-7, 14 sản phẩm mới của Vinamilk có bổ sung thêm thành phần vi chất dinh dưỡng sẽ có giá mới. Từ 20-7, 8 sản phẩm của Vinamilk tiếp tục tăng giá trong phạm vi 5% so với giá đã kê khai liền trước đó với các dòng sữa thông dụng như: Optimum Gold 1, Optimum Gold 2…

 

Cùng với việc các hãng sữa điều chỉnh giá bán lẻ, các hãng cũng cho ra đời nhiều sản phẩm mới trong năm 2018. Có thể kể đến là Similac IQ 4 - 180ml của Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam, hay chính hãng này cũng thay đổi tên và độ tuổi sử dụng hàng loạt sản phẩm.

 

Cuối tháng 5-2018, công ty này cũng ra mắt 10 sản phẩm mới. Tương tự, Công ty TNHH Nestle Việt Nam; Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) đều cho ra mắt các sản phẩm mới.

 

Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Giá sữa tăng, giảm đều ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, biến động của giá sữa trong năm qua đã không còn gây tác động lớn đến tâm lý người tiêu  dùng do giá sữa trước nay dường như đều chỉ tăng chứ không giảm.

 

Mặt khác, theo quy định của Bộ Công Thương, giá sữa biến động tăng trong phạm vi 5%, doanh nghiệp được tự quyết.

 

Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định rõ, thương nhân thực hiện đăng ký, kê khai giá. Thương nhân khác có quyền thông báo điều chỉnh giá theo mẫu, khi giá điều chỉnh trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo liền kề trước đó.

 

Trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo lần liền kề trước đó, thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

 

Do giá sữa "âm thầm" tăng từng "bước nhỏ", nên người tiêu dùng nếu không để ý sẽ không phát hiện ra. Tuy nhiên, mặc dù các doanh nghiệp đã thực hiện kê khai giá sữa đúng quy định song người tiêu dùng vẫn cần kết quả kiểm tra, giám sát việc tăng giá này có hợp lý hay không từ phía cơ quan quản lý để được đảm bảo quyền lợi. 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác