Kinh tế - Thị trường

Chăn nuôi đại gia súc ở Tây Nguyên: Cơ hội và thách thức – Những dự án ngàn tỷ

Trước khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư bất thường vào lĩnh vực chăn nuôi với tổng vốn đăng ký khoảng 50.000 tỷ đồng. Những dự án kéo theo hy vọng xây dựng ngành chăn nuôi hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo dựng thế cân bằng giữa trồng trọt và chăn nuôi.

 Những trang trại lớn nhất Đông Nam Á

 

Giữa mùa khô nắng cháy kỷ lục của hơn trăm năm qua ở Tây Nguyên, một vùng đất rộng lớn ở phía Đông huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) vẫn được bao phủ bởi đồng cỏ xanh dập dờn. Xen lẫn trong “biển” cỏ xanh ấy là những trang trại chăn nuôi bò hiện đại của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Ông Lê Đình Vũ-Giám đốc Công ty, cho biết, những trang trại bò sữa, bò thịt nơi đây có quy mô thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á. Công ty đã đầu tư vào dự án chăn nuôi này tới hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó 3.500 tỷ đồng cho bò sữa, 2.800 tỷ đồng cho bò thịt. Khoản tiền này đã tạo ra 6 trang trại với quy mô nuôi lúc đỉnh điểm là 12.000 con bò sữa, khoảng 80.000 con bò thịt và còn có thể nâng cao hơn nữa. “Kế hoạch của Công ty là phát triển bò sữa đến khoảng 100.000 con. Còn bò thịt kế hoạch về lâu về dài thì lên khoảng 100.000 con tùy theo tình hình thực tế”-ông Lê Đình Vũ chia sẻ.


Nhờ sự đầu tư mạnh bạo của Hoàng Anh Gia Lai mà tổng đàn bò của tỉnh Gia Lai tăng đáng kể, trở thành tỉnh có đàn bò lớn nhất nhì cả nước với số lượng 450.000-500.000 con (chiếm khoảng 10%). Trong đó, có khoảng 100.000 con bò thịt đang được nuôi ở trang trại bò quy mô lớn. Chất lượng bình quân đàn bò thịt Gia Lai cũng từng bước được nâng cao. Ông Dương Ngọc Thành-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, đánh giá: “Sự đóng góp của các doanh nghiệp và Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai vào việc cải tạo thể vóc và chất lượng đàn bò là đáng ghi nhận. Sự đóng góp của họ đã góp phần tăng trọng lượng của con bò, bình quân chung bây giờ đã là 350 kg/con rồi”.Ngoài các trang trại của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai ở 3 huyện, thị xã gồm: Mang Yang, An Khê, Ia Pa, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã lập một số trang trại nuôi bò quy mô lớn khác thuộc Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên cũng tại tỉnh Gia Lai. Theo lãnh đạo Tập đoàn, các trang trại đều áp dụng công nghệ chăn nuôi, vắt sữa, chế biến sữa tiên tiến hàng đầu thế giới. Giống bò được nuôi, giống cỏ được trồng cũng là những giống ưu tú nhất. Trong đó, cỏ có thể cho năng suất tới 500 tấn/ha/năm; bò thịt có thể đạt trọng lượng gần 5 tạ/con; bò sữa có thể cho năng suất tới 30 lít/con/ngày, cao vượt cả những doanh nghiệp sữa hiện tại như Vinamilk và TH True Milk.

Ồ ạt những dự án chăn nuôi ngàn tỷ

Nối gót Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đã sốt sắng triển khai dự án chăn nuôi bò ở Tây Nguyên. Năm 2014, Đức Long Gia Lai đã “lớn tiếng” công bố về dự án hơn 11.000 tỷ đồng, đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn với 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt. Bước đầu, dự án tập trung đầu tư tại 3 tỉnh: Đak Nông, Đak Lak và Gia Lai. Để phục vụ dự án này, Đức Long Gia Lai được 3 tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép khảo sát diện tích đất lên đến 20.000 ha.

Phát biểu của ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị đăng trên website chính thức của Tập đoàn Đức Long Gia Lai nêu rõ: “Với nhu cầu đất chỉ 7.500-8.000 ha, nhưng chúng tôi xin được khảo sát trên 20.000 ha vì dự án chăn nuôi bò sữa rất kén đất, những khu vực được chọn phải đảm bảo đủ 6 tiêu chí đất phục vụ cho dự án như: có đường giao thông thuận tiện, đường điện đảm bảo, mạch nước ngầm và hồ nước để xử lý phân, địa hình, nhiệt độ phù hợp và xa khu dân cư…”.

Xét về địa lý, ngoài Gia Lai, 3 tỉnh khác ở Tây Nguyên là Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng đều có doanh nghiệp xin đăng ký các dự án rất lớn về chăn nuôi bò; không tỉnh nào có tổng vốn cam kết dưới 10 ngàn tỷ đồng. Riêng tại Đak Lak, các dự án đăng ký có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực chăn nuôi bò hấp dẫn đến nỗi, doanh nghiệp chuyên về sản xuất đồ gỗ và trồng rừng như Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng sốt sắng triển khai dự án nuôi bò 4.500 tỷ đồng. Bà Trương Thị Khánh Hòa-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông-Lâm nghiệp Trường Thành, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho biết: “Trường Thành thực hiện dự án tại Đak Nông thì dự án tiền khả thi là 9.000 tỷ đồng. Dự án này tạo ra một chuỗi giá trị tiềm năng cho tỉnh, thu hút đông đảo người dân và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị. Vì quy trình thủ tục hành chính của tỉnh quá phức tạp, Hội đồng Quản trị Công ty đã quyết định hạ quy mô dự án xuống còn 4.500 tỷ đồng nhưng vẫn giữ nguyên những chuỗi giá trị chúng tôi hoạch định ra trong dự án này”.

Vì sao chọn bò?

Khoảng 50.000 tỷ đồng đầu tư và đăng ký đầu tư vào chăn nuôi ở Tây Nguyên thời gian qua tất cả đều chọn nuôi bò. Câu hỏi đặt ra, tại sao lại chọn bò mà không phải là vật nuôi khác?

chan-nuoi-dai-gia-suc-o-tay-nguyen-co-hoi-va-thach-thuc-nhung-du-an-ngan-ty

Những trang trại chăn nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: N.N

Câu trả lời đơn giản là vì thị trường thịt bò và sữa ở Việt Nam đang rất rộng mở cho các doanh nghiệp khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, năm 2015 nhập khẩu thịt bò của Việt Nam đạt khoảng 300 triệu USD, tăng 50 triệu so với năm 2014 (250 triệu USD) với khối lượng nhập khoảng 39.000 tấn, tăng 20-25% so với cùng kỳ năm 2014. Trước đó, vào năm 2014, Việt Nam đã nhập khoảng 150.000 con bò Úc phục vụ người tiêu dùng trong nước, chưa kể số lượng trâu bò nhập lẻ từ Thái Lan, Lào và Campuchia được ước tính khoảng vài ngàn con. Với bò sữa thì thị trường còn rộng mở hơn. Sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu và lượng thiếu hụt lớn khiến mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là thuế. Hiện tại mức thuế áp dụng cho thịt bò và sản phẩm thịt bò là 30-35%. Đối với sản phẩm từ sữa, thuế suất nhập khẩu hiện tại khoảng 20%. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp nhập con bò còn sống về nước chỉ phải chịu mức thuế 5%. Mức chênh lệch thuế này là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư.

Những “siêu” dự án kéo theo niềm hy vọng

Khi thị trường rộng mở, doanh nghiệp ồ ạt đầu tư, những “siêu” dự án nuôi bò cũng mang tới hy vọng cho nhiều ngành nghề khác. Tiến sĩ Trương Tấn Khanh-Phó Trưởng khoa Chăn nuôi-Thú y Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, chỉ riêng việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyển kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y đã khiến ngành đào tạo này “cháy hàng”. Ngành cũng nhờ nhu cầu lớn của các dự án mà thoát khó, bước sang một thời kỳ mới đầy triển vọng. “Trước đây 6-7 năm, sinh viên ngành chăn nuôi thú y ra trường không có việc làm, dẫn đến người ta chán học. Có khi 2-3 năm, ngành chăn nuôi không tuyển được sinh viên vì không ai thi vào. Nhưng mấy năm nay thị trường lao động lại phát triển, các công ty lớn người ta ồ ạt tuyển. Trước đây thì trường tuyển sinh điểm sàn, bây giờ tuyển cao hơn điểm sàn rất nhiều”-Tiến sĩ Trương Tấn Khanh chia sẻ.

Đối với nông dân trong vùng những “siêu” dự án, niềm hy vọng cải thiện thu nhập cũng có cơ sở. Hiện nay, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai đang hợp tác với nông dân trồng bắp bán cho Công ty để làm thức ăn cho bò với giá thành cao hơn hẳn mà thời gian thu hoạch lại ngắn hơn. Các doanh nghiệp đang triển khai dự án nuôi bò cũng hứa hẹn tương tự với nông dân. Ông Nguyễn Đình Lập (xã Đak Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Doanh nghiệp họ họp dân, hứa đầu tư cho dân để dân trồng bắp, đến lúc quả ra răng cưa (có sữa non) là thu hoạch, họ mua cả lá, cả thân, cả quả. Thời gian trồng ngắn hơn, chỉ 70 ngày thôi. Nếu theo những gì doanh nghiệp nói thì 1 ha lợi 10-15 triệu đồng. Nông dân chúng tôi rất hy vọng điều này”.

Tây Nguyên đang đón một làn sóng đầu tư bất thường vào lĩnh vực chăn nuôi với những “siêu” dự án ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ đồng, với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến khoảng 50.000 tỷ đồng. Có dự án đã hiện hữu, có dự án còn đang lên kế hoạch hoặc đang triển khai nhưng tựu chung, chúng đang mang theo những niềm hy vọng cho cả doanh nghiệp, chính quyền và người dân vùng dự án. Tuy nhiên, việc đầu tư ồ ạt liệu có mang lại hiệu quả như mong đợi? Sự ồ ạt đến bất thường này có thể dẫn đến những mối lo và hệ lụy gì?

Nguồn: tintaynguyen.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác