Kinh tế - Thị trường

Bộ Tài chính giải trình hãng sữa rút ruột đổi tên

Bộ Tài chính vừa xác minh nghi án rút ruột, đổi tên để lách luật "trần giá sữa" của 2 hãng sữa ngoại Mead Johnson và Abbott nhằm báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả là phần "đúng" vẫn thuộc về 2 hãng này.

 Nghi án rút ruột nhưng không hạ giá là trường hợp Pediasure của Abbott do Công ty Dinh dưỡng 3A phân phối. Kể từ sau khi có thông tin sẽ áp trần giá sữa, các cửa hàng sữa cho biết mặt hàng này đã giảm trọng lượng từ hộp 900g xuống còn 850g, nhưng giá vẫn giữ nguyên là 565.000 đồng/hộp. Thêm nữa, đây là dòng sữa được đề là dùng cho trẻ từ 1-10 tuổi. Với việc công bố độ tuổi như vậy, Pediasure đã nghiêm nhiên đứng ngoài danh mục các mặt hàng sữa bị áp giá trần dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính.


Nghi án thứ 2 là đổi tên để tăng giá một cách ngoạn mục đối với sữa Mead Jonhson. Cũng sau khi có quyết tâm siết chặt quản lý giá sữa bằng công cụ giá trần của Bộ Tài chính hồi tháng 4 thì cùng lúc, hãng này ra mắt hàng loạt sản phẩm mới với tên gọi dài hơn.


Ví dụ, dòng truyền thông trước đây là sữa Enfamil A, Enfagrow A thì kể từ 29/4, thị trường xuất hiện thêm các dòng Enfamil A + 360độ Brain Plus và Enfagrow A + 360 độ Brain Plus. Mức chênh lệch giá giữa dòng sữa mới và cũ lên tới khoảng 100.000 đồng/hộp. 


Tuy nhiên, kết quả xác minh của Bộ Tài chính khẳng định, "không thể nói hai hãng sữa này lách luật". Thông tin trên thị trường và thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế về các mặt hàng sữa trên đều cho các thông số chứng minh, cả 2 hãng sữa của Mỹ này đều "chuẩn" về pháp luật.

 

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, đối với sữa Mead Johnson, 2 dòng sữa trên đều có sự khác biệt về thông tin chi tiết sản phẩm. Ví dụ, chỉ tiêu chủ yếu theo yêu cầu của nhà sản xuất thì ở sữa cũ Enfamil A+2 là 39 chỉ tiêu, thì dòng sữa mới 360 độ Brain Plus có 40 chỉ tiêu. Chỉ tiêu vi sinh vật ở sữa cũ là 7 thì sữa mới có 4, hàm lượng kim loại nặng ở sữa cũ có 6 chỉ tiêu, sữa mới có 5...


Bộ Tài chính kết luận, do có sự khác nhau về chỉ tiêu chất lượng nên không thể khẳng định là 2 sản phẩm tương đương nhau.


Chưa kể, tất cả các thủ tục liên quan đến chứng nhận hợp quy và kê khai giá đã được thực hiện từ trước khi có quyết định áp giá trầnMead Johnson đã kê khai giá ở hạng mục sản phẩm mới ở Cục Quản lý giá từ ngày 1/4/2014, nhưng đến 20/5/2014 Bộ Tài chính mới có quyết định về áp trần. Cùng đó, kể từ năm 2013 đến 2 tháng đầu năm nay, không có sản phẩm sữa nào của hãng này đăng ký thay đổi mẫu mã, trọng lượng.


Đối với trường hợp Abbott, Bộ Tài chính cho biết, Cục An toàn thực phẩm cho biết Pediasure là sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Do vậy, mặt hàng này không thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nên không phải bình ổn giá. Nói cách khác, sữa Pediasure không phải đăng ký giá tới Bộ Tài chính và việc thay đổi trọng lượng, tăng giảm giá là hoàn toàn nằm trong quyền được phép của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thị trường, tất cả thông tin về việc thay đổi tên gọi hay giảm trọng lượng sữa như trên mới rầm rộ sau khi Bộ Tài chính công bố biện pháp bình ổn giá. Cùng đó, nhiều mặt hàng sữa "cũ" bị giảm giá theo giá trần như các dòng Enfamil và Enfagrow, hay hộp sữa Pediasure trọng lượng cũ 900g theo phản ánh của các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, hầu như không còn trên thị trường, nếu không nói là đã biến mất. Các nhà sản xuất thường chỉ đăng ký "bổ sung" quy cách đóng gói, hay đăng ký sản phẩm mới cũng đồng nghĩa, những sản phẩm cũ có thể sẽ bị "khai tử" nếu không còn nhiều lợi nhuận.

Phạm Huyền

Nguồn: vietnamnet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác