Góc nhìn chuyên gia

Nhu cầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước
Nhu cầu nước cho phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số trên thế giới ngày một tăng, trong khi tài nguyên nước thì có hạn, nên phát sinh mâu thuẫn giữa cung và cầu ngày càng gay gắt đã trở thành vấn đề không chỉ riêng cho mỗi quốc gia, mà cả quốc tế. Nông nghiệp là ngành dùng nước chiếm tỷ trọng lớn nhất. Để tiết kiệm nước tưới và hiện đại hóa trong nông nghiệp, các nước trên thế giới đều coi trọng phát triển nhanh kỹ thuật tưới hiện đại, tiết kiệm nước.

Do đó, triển vọng phát triển kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên thế giới là rất lớn, để dần dần thay thế kỹ thuật tưới truyền thống tốn nhiều nước và kém hiệu quả

 

 

Một trong những nhược điểm của tưới cổ truyền là vấn đề lãng phí nước, gây đóng váng, xói mòn đất, do tưới một lúc quá nhiều nước, hoặc là nước ngấm không kịp tạo thành dòng chảy mặt, hoặc là đất ngấm quá lớn, đưa nước và chất hữu cơ xuống sâu khỏi tầng rễ cây, gây lãng phí. Công nghệ tưới tiết kiệm nước là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Nhờ kết cấu đơn giản và vận hành tiện lợi nên tưới tiết kiệm nước có thể tăng được số lần tưới lên tùy ý và giảm khối lượng nước tưới mỗi lần. 

    Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước  được đặc trưng bởi sự cung cấp thường xuyên một khối lượng nước hạn chế được kiểm soát để tưới cho một bộ phận tầng đất canh tác -vùng hoạt động hữu hiệu của bộ rễ cây - nhằm sử dụng tối ưu lượng nước tưới.  Sau hơn 20 năm nghiên cứu và cải tiến, hoàn thiện kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, người ta đã kết luận rằng, nó hoàn toàn có thể thay thế được các kỹ thuật tưới cổ truyền. Khi được thiết kế và quản lý thích hợp, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước sẽ đạt được hiệu quả rất to lớn về phương diện cấp nước, phân phối nước và rất lý tưởng trong việc kết hợp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng cũng như việc cơ giới hoá, tự động hoá các khâu tưới nước và chăm sóc.

    Xu hướng phát triển thủy lợi của nhiều nước hiện nay là khai thác tốt hệ thống các công trình hiện có, tăng cường các phương pháp, kỹ thuật tưới theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc tăng hiệu quả sử dụng nước. Một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế tưới nước cho các loại cây trồng là việc lựa chọn và áp dụng phương pháp, kỹ thuật tưới thích hợp,  các kỹ thuật tưới tại mặt ruộng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp, phân bố nước trực tiếp đến cây trồng và quyết định lượng nước tổn thất mặt ruộng nhiều hay ít. Với các phương pháp, kỹ thuật tưới thông thường (tưới cổ truyền) hiện nay thì lượng nước tổn thất là rất lớn.

      Mục đích cơ bản của tưới nước là đưa đủ nước vào trong đất để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Với các kỹ thuật tưới đã được phổ biến cho cây trồng cạn trước đây thường là không duy trì được độ ẩm theo yêu cầu thích hợp mà phạm vi thay đổi độ ẩm trong đất khá lớn, (cao hoặc thấp hơn so với độ ẩm thích hợp) gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đối với các vùng khí hậu khô hạn, hoặc bán khô hạn, chỉ có tưới nước mới có thể duy trì được sự phát triển nông nghiệp, vấn đề nước tưới ở đây càng trở nên cấp thiết hơn ở bất cứ nơi nào khác. Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là kỹ thuật tưới cung cấp nước hiệu quả nhất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng một cách đáng kể. Vì vậy yêu cầu phát triển công nghệ tưới tiết kiệm nước là rất cần thiết, sẽ mở ra triển vọng to lớn trong việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu và các loại cây có giá trị kinh tế cao trên các vùng khan hiếm nước ở Việt Nam.

     Trong những năm gần đây diễn biến thời tiết khí hậu xẩy ra ở nước ta khá phức tạp, hiện tượng hạn hán, thiên tai xảy ra liên tục và kéo dài, đặc biệt là các tỉnh nam Trung bộ và Tây nguyên. Theo con số thông báo của Cục Thuỷ Lợi trong các năm 2004 – 2005 lượng dòng chảy trên các con sông, suối các tháng 10 và 11 ở Nam Trung bộ, Đông Nam bộ nhỏ hơn trung bình hàng năm từ 10 – 30 %. Một số con Sông suối nhỏ ở các Tỉnh Nam Trung bộ gần như cạn kiệt, cá biệt một số nơi lượng nước đầu mùa khô còn thấp hơn cả những tháng giữa mùa khô các năm trước. Nguồn nước trữ và sinh thuỷ tại hầu hết các Hồ chứa các khu vực trên đều thấp hơn so với thiết kế từ 10 – 30 %. Tổng giá trị thiệt hại  năm 2004 trên 167.000 ha diện tích cây trồng thiếu nước, thiệt hại khoảng 581 tỷ đồng. Năm 2005, Tỉnh Ninh thuận, bỏ ruộng không sản xuất 10.000 ha, diện tích hạn 2.090 ha (trong đó mất trắng 550 ha), thiếu nước sinh hoạt 13. 745 hộ ( 69.175 người ), 199.000 con gia súc, tổng giá trị thiệt hại là trên 137 tỷ đòng. Tỉnh Bình Thuận, Bỏ ruộng không sản xuất 16.600 ha, thiếu nước sinh hoạt 28.650 hộ (122.450 người ), 100.000 con gia súc. Vì vậy việc áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các phương pháp này không những cung cấp đủ lượng nước cho nhu cầu phát triển của cây trồng, mà nó còn chống đóng váng trên bề mặt đất, làm cho đất luôn tơi xốp, tăng cường trao đổi ô xy, các chất khoáng trong đất, giúp cho cây trồng có năng suất, chất lượng tốt hơn.

     Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của các tỉnh khô hạn Nam trung bộ cần chuyển đổi các cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT, các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các vùng khan hiếm nước đang là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT

      Trong chỉ thị số 66/2000/CT/BNN-KH ngày 14 tháng 6 năm 2000 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã nêu rõ yêu cầu các ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển Nông Lâm, Thuỷ lợi giai đoạn 2005 -2010 là ”... Trong nông nghiệp chuyển mạnh sang đầu tư làm Thuỷ lợi phục vụ tưới Cà phê, Chè, mía và các cây khác... ”. Đồng thời trong thông báo số 2186/ TB/ BNN-VP ngày 27 tháng 5 năm 2005 Thứ Trưởng Diệp Kinh Tần đã chỉ đạo về việc xây dựng dự án tưới tiết kiệm nước ( dạng mô hình thử nghiệm ) cho vùng duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên. Do vậy đề tài ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao vùng khô hạn Nam Trung Bộ và Tây nguyên được thực hiện là phù hợp với các chủ trương trên và là nhu cầu cần thiết  áp dụng cho các tỉnh khan hiếm nước Nam trung bộ. Đồng thời từng bư­ớc đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn hiện nay.

Nguồn: cwe
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác