Giải pháp cho hộ nông dân

Ðể nông dân gắn bó với nghề nuôi bò sữa

Ðược xem là nghề có nhiều tiềm năng khi ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường nhưng nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa lại đang muốn chuyển nghề. Làm thế nào để giúp người nông dân gắn bó với nghề và phát triển chăn nuôi bò sữa một cách bền vững?

Quy mô đàn bò và phát triển bền vững

Thực tế, chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam đang phát triển theo quy mô gia đình, ở các khu vực chung quanh các đô thị, bán đô thị, nơi có điều kiện cần thiết về vốn, kỹ thuật, đầu vào... phục vụ nuôi bò sữa, thuận lợi cho việc chăm sóc thú y, bán sản phẩm... Tuy nhiên, ở những khu vực này quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn nhiều, lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ nuôi bò dần dần sẽ  không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác. Từ đó, người sử dụng đất chuyển sang những ngành kinh doanh khác có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, theo tính toán, mỗi hộ nông dân chăn nuôi bò sữa cần phát triển đàn bò lên quy mô lớn hơn, gồm 40 con vắt sữa và 40 con không vắt sữa hoặc bê nhỏ để đạt được sản lượng sữa 500 - 600 kg mỗi ngày, cho thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 15 - 20 triệu đồng  nông dân mới có thể yên tâm gắn bó lâu dài với nghề nuôi bò sữa. Tuy nhiên, rất khó để người nông dân phát triển đàn bò sữa lên quy mô này nếu không có những vùng đất thích hợp dành cho chăn nuôi bò sữa được Nhà nước quy hoạch ổn định lâu dài, với đầy đủ những chính sách, hành lang pháp lý cần thiết.

Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững

Từ thực tế này, Friesland Campina Việt Nam đề xuất giải pháp:  xây dựng các "Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững". Trước hết, "Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững" phải là vùng có quỹ đất dồi dào và thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho việc nuôi bò sữa, trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn tự nhiên cho bò. Thứ hai, vùng này phải có sẵn hoặc được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ  chăn nuôi như giao thông, điện nước, cơ sở chế biến và cung ứng thức ăn, giống, thú y. Ðặc biệt, nơi đây cần phải có hệ thống thu mua và chế biến sữa để bảo đảm đầu ra an toàn cho nông dân. Ngoài ra, người nông dân tại vùng chăn nuôi phải được huấn luyện các kỹ thuật chăn nuôi, quản lý chất lượng, quản lý trang trại một cách chuyên nghiệp để  nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận - cơ sở giúp họ gắn bó với nghề lâu dài. Muốn hình thành "Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững", cần có một kế hoạch tổng thể, với đầy đủ chi tiết và những bước đi thích hợp, có chính sách, quy hoạch của chính quyền, với sự phối hợp một cách tự nguyện của rất nhiều bên (chính quyền, doanh nghiệp, hộ nông dân...), bảo đảm tạo ra lợi ích chung và lợi ích lâu dài cho từng bên tham gia vào dự án.

Hợp tác để cùng phát triển bền vững

Các hộ nông dân trong vùng có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa. Họ sẽ được hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa một cách bài bản, được Friesland Campina tư vấn, hỗ trợ giám sát  bảo đảm xây dựng được hệ thống trang trại đạt chuẩn, từng bước tăng năng suất, chất lượng sữa tươi và tiết kiệm chi phí. Sản phẩm sữa bán trực tiếp cho hệ thống thu mua tại chỗ của Friesland Campina. Trong khi đầu ra của họ được bảo đảm thì nhà máy sữa cũng có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định chất lượng cao. Ngoài ra, họ còn có thể cung cấp phân bón cho các hộ trồng trọt hay các nông trại khác trong vùng...

Không chỉ người nuôi bò sữa được hưởng lợi mà các thành phần kinh tế khác cũng được kích hoạt. Trại chăn nuôi bò sữa sẽ tiêu thụ sản phẩm của người cung cấp thức ăn gia súc tại địa phương và tiêu thụ sản phẩm (cỏ, ngô) của các hộ trồng trọt, kích thích các hộ trồng trọt đầu tư nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Những người chăn nuôi bò sữa, những hộ trồng trọt cũng sẽ sử dụng các dịch vụ như giống, dịch vụ kỹ thuật, thú y, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến, máy móc thiết bị nông nghiệp, vốn, huấn luyện đào tạo..., tạo điều kiện cho những nhà cung cấp dịch vụ này cũng như nguồn nhân lực tại địa phương cùng phát triển.

"Friesland Campina Việt Nam đang cùng một số tổ chức chuyên nghiệp của Hà Lan, như  công ty tư vấn xây dựng và quản lý dự án Fresh Studio, Ðại học Nông nghiệp nổi tiếng Hà Lan Wagenigen và trung tâm nghiên cứu của trường đại học này, Công ty cung cấp thức ăn gia súc De Heus... tham gia tích cực vào việc hình thành dự án này cùng với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam.  Chúng tôi cũng sẽ tham gia vào dự án bằng cách huấn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân tại các vùng triển khai dự án, đầu tư xây dựng hệ thống thu mua và kiểm tra chất lượng sữa tại chỗ, tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao tay nghề đội ngũ cán bộ thú y và cung cấp dịch vụ kỹ thuật tại địa phương, đồng thời phối hợp và hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc theo dõi, quản lý, định hướng cho việc phát triển đàn bò trong khu vực...". Ông Lưu Văn Tân, phụ trách chương trình Phát triển ngành sữa của Friesland Campina chia sẻ.

NGUYỄN NHI

Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác