Giải pháp cho hộ nông dân

Một hướng thoát nghèo cho nông dân

Huyện Ba Vì (Hà Nội) hiện có khoảng 1.500 hộ chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn bò khoảng 5.500 con. Dự tính năm 2012, sẽ tăng thêm 2.500 con nữa tại Ba Vì và các vùng lân cận. Con số này sẽ tăng thêm từ 4.000 đến 5.000 con vào năm 2015, khi khu trang trại rộng 25 ha do Công ty Cổ phần sữa quốc tế Ba Vì (IDP) đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ba Vì là một huyện ngoại thành Hà Nội, có diện tích tự nhiên hơn 424 km2, chia làm ba vùng: vùng núi, đồi gò và trung du, với mật độ dân số 265 nghìn người, gồm ba dân tộc anh em là Kinh, Mường, Dao cùng chung sống. Ðịa bàn rộng, dân số đông, trình độ dân trí không đồng đều và hơn 85% dân số sống bằng nghề nông, cho nên những năm trước đời sống của bà con các dân tộc nơi đây gặp không ít khó khăn, vì cây lúa, hoa màu phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng phù hợp việc trồng cỏ, tạo thuận lợi trong chăn nuôi bò, nhất là bò sữa.

Nắm bắt được điểm mạnh đó, đầu năm 2010, Công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP) đã thành lập Nhà máy Sữa Ba Vì tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ngay từ những ngày đầu bước vào hoạt động, công ty đầu tư mua sắm lắp đặt dây chuyền sản xuất sữa hiện đại, công nghệ tiên tiến từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như: dây chuyền chế biến sữa của Tập đoàn APV châu Âu, dây chuyền thiết bị đóng gói khép kín của Tập đoàn Tetra Pak Thụy Ðiển. Ðồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng chăm sóc bò, trồng cỏ, lấy sữa và tiêu thụ sữa cho nông dân, với mục đích góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước.

Ðiều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đến thăm gia đình anh Nguyễn Thái Sơn, ở xóm 1, xã Tản Viên, huyện Ba Vì, là anh có một khu chuồng trại sạch sẽ, hệ thống thu gom sữa hiện đại, với đàn bò sữa khoảng 20 con (kể cả bê), trong đó mười con đã cho lấy sữa. Ðể có được thành quả như hôm nay, anh Sơn cho biết: "Sau khi nghỉ công tác tại Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với kinh nghiệm có được trong thời gian công tác, tôi dồn sức chăm sóc con bò vàng nhà mình một cách khoa học, nên đã đạt được hiệu quả cao. Khi con bò vàng sinh, tôi bán con bê đi lấy lãi và đầu tư mua bò sữa. Ðến nay, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí".

Ðược IDP đầu tư cho nuôi mười con bò sữa, đến nay, đàn bò gia đình anh Nguyễn Văn Bưởi, dân tộc Mường, ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, đã phát triển hàng trăm con, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Bưởi cho biết: Yên Bài là xã thuần nông, nên phụ thuộc vào thời tiết, nếu không có mưa thì cây lúa và hoa màu chết, người dân không có thu hoạch, đời sống rất khó khăn. Từ khi IDP về đầu tư cho chúng tôi trồng cỏ, nuôi bò, đời sống khá hơn nhiều. Theo tôi, vì trồng cỏ ít gặp rủi ro, nhưng hiệu quả lại cao hơn so với trồng lúa và hoa màu. Hằng năm, ngoài việc tạo điều kiện giúp đỡ về tập huấn, hướng dẫn cách chống nóng, chống rét, vệ sinh chuồng trại, IDP còn cho chúng tôi đi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi ở các đơn vị nuôi bò khác. Qua đó, giúp bà con học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, chất lượng sữa của đàn bò cao hơn.

Ðể từng bước giúp đỡ người dân huyện Ba Vì nói riêng và các vùng lân cận nói chung phát triển đàn bò sữa, đầu tháng 3 vừa qua, IDP tiếp tục đầu tư 40 tỷ đồng, xây dựng trang trại mẫu bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì rộng 25 ha. Ngay sau khi khánh thành, trang trại mẫu đã cung cấp hàng loạt bò sữa giống tốt cho bà con nông dân trong vùng và hỗ trợ cho dân vay 20 triệu đồng/con. Ðồng thời, hỗ trợ mỗi hộ ba triệu đồng mua thùng, xô, chậu i-nốc và khăn lau, khăn lọc sữa, mười triệu đồng mua máy vắt sữa, ba triệu đồng xây hầm bi-ô-ga... Tất cả số tiền cho vay đều không tính lãi và sẽ được thu hồi dần qua sản phẩm sữa nông dân thu được. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên mở các lớp học miễn phí dành cho nông dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình được thay phiên nhau dự lớp đào tạo kỹ thuật, sau khi học xong được cấp chứng chỉ và tặng 500 nghìn đồng tiền lệ phí đi lại, ăn trưa và tài liệu học. Anh Phùng Văn Thành, một nông dân đã có mười năm chăn nuôi bò sữa tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, bộc bạch: Chúng tôi rất vui mừng vì có trang trại mẫu bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì trên quê hương mình. Các kinh nghiệm quý từ các nhà khoa học, kỹ sư giúp chúng tôi tiếp thu tốt các kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa mới nhất, từ đó gia tăng đàn bò trong từng hộ gia đình nông dân, bảo đảm bò khỏe, sữa tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm.

TRỊNH SƠN
Nguồn: nhandan.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác