Giải pháp cho hộ nông dân

Để mô hình nuôi Bò sữa phát triển bền vững

Sóc Trăng có đàn Bò sữa khoảng 7.200 con, sản lượng sữa trên 28 tấn/ngày, được nuôi nhiều ở các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và Châu Thành. Cùng với sự phát triển này, việc tìm đầu ra cho sản phẩm sữa cũng đặt ra nhiều vấn đề.

 Thời gian qua, nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề nuôi Bò sữa, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, như dự án CIDA – Canada, cải tiến nâng cao chất lượng giống Bò sữa thông qua gieo tinh nhân tạo phân biệt giới tính… Từ năm 2013 – 2020, dự án phát triển đàn Bò sữa tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phát triển lên 17.800 con, năng suất sữa đạt 4.500 – 5.000kg/chu kỳ. Về vấn đề đảm bảo môi trường trong chăn nuôi thì có dự án hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp giai đoạn 2013 – 2018 với mục tiêu xây dựng 3.600 hầm Biogas cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa, cùng với đó là hỗ trợ nông hộ vay vốn mua con giống, các trang thiết bị để phục vụ mô hình chăn nuôi tiên tiến như máy vắt sữa, máy băm cỏ, hệ thống phun sương… Từ đó, Ngành Chăn nuôi Sóc Trăng đã khởi sắc, nhiều hộ từ nghèo khó đến thoát nghèo, từ hộ nghèo cận nghèo vươn lên hộ khá giàu.

 

Tỉnh cũng khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tức là tăng đàn có tính toán và cơ sở hợp lý. Như hộ ông Thạch Dân ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, với tổng đàn bò 23 con, ông dành khoảng 2.000 m2 đất để xây dựng chuồng trại kiên cố, chi phí hơn 100 triệu đồng, trang bị máy vắt sữa hơn 16 triệu đồng, có hệ thống xư lý chất thải Biogas và máy phun sương làm mát đàn Bò khi nắng nóng. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi Bò, ông cho biết trong chăn nuôi giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng trại và đàn vật nuôi là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn Bò, bởi số lượng đông nguy cơ nhiều mầm bệnh phát sinh, Bò bị bệnh dù nặng hay nhẹ vẫn ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sữa. Với 10 công đất trồng cỏ, ông tính năm tới sẽ mở rộng thêm, vì ông vừa cho gieo tinh phân biệt giới tính cho 1 con Bò, như vậy đàn Bò sẽ tăng thêm, cộng thêm nguồn rơm có sẵn từ hơn 50 công ruộng của gia đình sẽ có đủ thức ăn cho đàn Bò phát triển. Hiện đàn Bò của ông Thạch Dân có 7 con đang cho sữa với hơn 80 kg mỗi ngày, tính ra hơn 1 triệu đồng. Mức thu nhập này là ổn định vì đa số Bò đã trưởng thành và cho sữa xoay vòng liên tục, trong khi chi phí điện nước và nhân công cho cả đàn bò chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, chưa kể gia đình có nguồn nhiên liệu dồi dào từ Biogas để nấu nướng và sinh hoạt. Ông Thạch Dân so sánh: Giữa trồng lúa và nuôi Bò sữa thì tôi thấy nuôi Bò sữa có nhiều cái lợi hơn, như giá bán  ổn định, cho thu nhập mỗi ngày, công chăm sóc thì cũng nhẹ hơn.

 

Thuận Hưng là một trong những xã phát triển nhanh nhờ nuôi Bò sữa. Tại xã có 2 trạm thu mua sữa tươi của HTX Nông nghiệp Evergrowth, thuận tiện cho bà con vận chuyển và bán sữa. Ông Lâm Xưng – Chủ tịch xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết: “Phong trào nuôi Bò sữa ở đây đã có từ năm 2003 và đến nay đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ Bò sữa. Hiện toàn xã có gần 1.520 con Bò, trong đó Bò sữa là 1.250 con, mỗi ngày cho từ  5 đến 6 tấn sữa.”

 

Sản lượng sữa Bò ở Sóc Trăng hiện nay chủ yếu được HTX Nông nghiệp Evergrowth thu mua với giá 12.000 đ/kg vẫn đảm bảo cho nông dân có lãi, bên cạnh đó HTX còn cung cấp các dịch vụ thú y và hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con ổn định sản xuất. Ông Trần Hoàng An, Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth cho biết: “Mô hình nuôi Bò sữa ở Sóc Trăng có lợi thế hơn những nơi khác là do nông dân rất cần cù và am hiểu kỹ thuật, nguồn thức ăn cho bò cũng khá lớn. Để nghề này phát triển bền vững, HTX sẽ đầu tư thêm thiết bị máy móc cho khâu bảo quản để giãn thời gian, chi phí vận chuyển sữa về nhà máy để giữ vững giá thu mua cho bà con. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi, nâng cao năng suất sản phẩm”.

 

Áp lực về đầu ra của sữa Bò khiến người chăn nuôi cân nhắc khi tăng đàn. Hiện nay tỉnh cũng khuyến khích bà con hướng đến mô hình chăn nuôi tiên tiến từ khâu con giống, quá trình chăm sóc và xử lý chất thải khép kín, có   cơ sở hạ tầng trang thiết bị đầy đủ rồi mới tăng đàn. Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp cũng đang thực hiện các dự án để kết hợp hợp lý các sản phẩm của chăn nuôi với các lĩnh vực nông nghiệp khác, ông Ngô Hiền Triết – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ngành Khuyến nông  đang triển khai nhiều dự án sử dụng phế phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi như: Trồng bắp lấy thân ủ chua cho Bò ăn, ủ rơm, bả mía làm nguồn thức ăn cho Bò, sử dụng phân bò để nuôi trùng quế làm thức ăn cho cá và gà…giúp người dân tăng thu nhập và tạo ra được mô hình chăn nuôi khép kín, bền vững”.

 

Làm sao để chăn nuôi Bò sữa phát triển bền vững không chỉ là chuyện của nhà nông, mà còn là trách nhiệm của các nhà hoạch định kinh tế, đối với sữa Bò thì tỉnh đang hướng đến các sản phẩm khác ngoài tiêu thụ sữa tươi, để tìm hướng mới tiềm năng cho đàn Bò sữa nền của địa phương. Nhưng trước mắt người chăn nuôi cần xác định rõ để có đầu ra thuận lợi thì nông sản phải tốt và nuôi Bò sữa theo mô hình đạt chuẩn về chất lượng và khoa học là điều nông hộ cần hướng đến./.

Ngọc Khuê

Nguồn: thst.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác