Các tỉnh phát triển ngành sữa

Kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc và xã Nguyên Lý

Chiều ngày 07/7/2014, đồng chí Trần Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Xuân Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành đã về kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên) và xã Nguyên Lý (Lý Nhân).

 Ngay sau khi được chọn là địa phương trọng điểm phát triển bò sữa của tỉnh, xã Mộc Bắc và xã Nguyên Lý đã tổ chức hội nghị tuyên truyền triển khai thực hiện đề án, vận động nhân dân đăng ký nuôi bò, công khai vùng quy hoạch nuôi bò sữa được tỉnh phê duyệt. Tại xã Mộc Bắc đã quy hoạch được 03 vùng chăn nuôi bò, hiện địa phương đang tập trung làm đường trục chính khu trang trại. Tính đến hết tháng 6/2014, toàn xã đã có 69 hộ nuôi 449 con bò sữa, tăng 22 hộ, 120 con bò so với trước khi có đề án.

 

Còn tại xã Nguyên Lý đang triển khai khu chăn nuôi bò sữa tập trung với 39 trang trại. Đến nay, trên địa bàn huyện Lý Nhân có 185 hộ ở 12 xã đăng ký nuôi bò sữa. Vừa qua, huyện đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa nhằm trang bị những kiến thức cơ bản trong việc chọn giống và chăm sóc, nuôi dưỡng bò đối với các hộ đăng ký tham gia.

 

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình kết quả thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương và ghi nhận tinh thần cộng đồng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực triển khai thực hiện đề án. Đồng chí nhấn mạnh: Chăn nuôi bò sữa hiện đang có thời cơ thuận lợi do có thị trường tốt, sữa được giá, ngân hàng cho vay vốn, nhân dân phấn khởi và được xã, huyện, tỉnh quan tâm,do đó, việc triển khai thực hiện đề án phải hết sức khẩn trương. Các địa phương cần chuẩn bị, bảo đảm tốt các điều kiện để phát triển đàn bò sữa. Công việc chính hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu chăn nuôi tập trung để bảo đảm sang mùa thu là mua bò về. Đồng chí lưu ý các địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải thật tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của các hộ dân. Việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cỏ và ngô cần phải được tính toán cẩn thận, có thể làm mô hình trước rồi nhân ra diện rộng và tỉnh cũng xem xét cơ chế hỗ trợ đối với những mô hình này. Về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn bò, địa phương cần tuyển chọn người là con em của quê hương để đào tạo theo hướng chuyên sâu tạo sự gắn kết lâu dài bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho bò. Các hộ khác ngoài khu chăn nuôi nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần tạo điều kiện, khuyến khích để họ cùng tham gia nuôi bò./.

 

Theo báo Hà Nam

Nguồn: hanam.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác